Vẫn còn băn khoăn giá điện, lạm phát
Kiên trì kiểm soát chỉ số lạm phát thấp hơn yêu cầu của Quốc hội | |
Đại biểu Quốc hội: Lo giá điện, xăng gây áp lực lên lạm phát |
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá điện tăng mạnh tạo áp lực đến lạm phát |
Thảo luận ở hội trường ngày 30/5 đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, tuy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức song với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đều nhất trí với 7 nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo của Chính phủ đặt ra cho thời gian tới.
Tuy nhiên các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt vấn đề KTXH đang khiến cho người dân băn khoăn, lo lắng, từ các tồn tại trong ngành giáo dục, đạo đức xã hội, vấn nạn ma túy, ô nhiễm môi trường đến tốc độ DN phá sản, dừng hoạt động cao hơn DN thành lập mới, hay dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát hiện nay)… Trong đó, vấn đề tăng giá điện và áp lực lạm phát tiếp tục là nội dung được rất nhiều đại biểu đề cập tới tại phiên thảo luận này, bởi nó thực sự đang ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) mặc dù lạm phát từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp, nhưng từ nay đến cuối năm 2019 có nhiều việc cần phải quan tâm giải quyết.
“Giá điện, giá xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng CPI. Chưa kể ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 42 tỉnh thành, rồi giá các dịch vụ y tế và giáo dục cũng sẽ tăng, hay các yếu tố khách quan như giá dầu thô ở mức cao… có thể dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội và người tiêu dùng”, đại biểu Yến nói.
Liên quan tới vấn đề giá điện, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho biết, mặc dù người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Theo ông, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như DN công bố là không chuẩn xác, do số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện nhiều gấp đôi. Bên cạnh đó còn là những nghi vấn về cách chia bảng giá điện thành 6 bậc của EVN chỉ mang lợi ích cho DN...
“Cứ rao giảng rằng tăng giá điện thì các bên đều được lợi nhưng thực tế người tiêu dùng “lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn”. Lần nào tăng giá điện cũng nói để có thêm nguồn kinh phí tái đầu tư ngành điện nhưng một DN độc quyền và luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục không? Chưa kể lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh liệu có thực hiện được không?”, đại biểu Cương thẳng thắn nói, đồng thời đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh đầy đủ.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng đề nghị, Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua như thế nào, có thực hiện đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri, nhân dân cả nước biết.
“Hơn nữa, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, phòng ngừa hiện tượng tăng giá "tát nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường, kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các DN để có biện pháp tổng thể nếu có biến động bất thường của thị trường”, đại biểu này kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau cũng mong muốn Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn và dự báo được việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển KTXH và đời sống của nhân dân trong thời gian tới. Lo ngại nhất của vị đại biểu này là tăng giá điện và giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đẩy chi phí tăng này vào giá thành sản xuất và làm tăng giá thành sản phẩm. Việc này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa được sản xuất trong nước, giảm sức mua của người dân.
Tiếp thu, giải trình thêm về các vấn đề này trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, ổn định KTVM, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Trong 3 năm qua, CPI đã liên tiếp được kiểm soát dưới 4%/năm và được Quốc hội ghi nhận như là một điểm sáng trong bức tranh điều hành KTVM. Thời gian tới, với quyết tâm giữ CPI trong mức 3,3-3,9% trong năm nay, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện 5 giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiểm chế lạm phát; Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường và giá để có giải pháp bình ổn, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu; Thứ ba, tiếp tục đánh giá các tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện, tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới và sử dụng quỹ bình ổn để đảm bảo mục tiêu; Thứ tư, tăng cường công tác dự báo và tính toán các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh vào những thời điểm và mức độ phù hợp; Thứ năm, công khai minh bạch các chi phí đầu vào để tạo được niềm tin cho người dân, DN và xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Liên quan đến giá điện, Phó Thủ tướng cho biết, theo đánh giá bước đầu của Bộ Công thương (trên cơ sở các đoàn kiểm tra liên ngành), nguyên nhân tăng giá điện đột biến trong tháng 4 là do điều chỉnh giá điện, số ngày ghi công tơ tháng 4 (nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3) và nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho đến nay, cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện ra sai phạm gì. Sắp tới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và EVN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng minh bạch yếu tố chi phí đầu vào, sớm nghiên cứu sửa đổi biểu giá điện hợp lý hơn, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin… Phó Thủ tướng cũng thông tin, Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Đồng thời chỉ đạo Kho bạc Nhà nước nghiên cứu để có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN trong năm 2019. |