VEA lại lo Quy hoạch điện VII sẽ lỡ hẹn
Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) đặt mục tiêu đến 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt từ 330 đến 362 tỷ kWh; năm 2030 đạt khoảng 700 - 800 tỷ kWh. Theo kịch bản cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện năm 2020 đạt 75.000 MW, năm 2030 đạt 146.800 MW.
Ảnh: MH
“Thời điểm này là giữa năm 2012, đáng lẽ một số dự án phải đưa vào vận hành thương mại từ năm 2011, song đến nay vẫn đang trong tình trạng xử lý sự cố như Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Sông Tranh 2, Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Uông Bí MR tổ máy 2”, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết. Bên cạnh đó, cũng theo kế hoạch, dự án NMNĐ Vũng Áng I, NMNĐ An Khánh I phải hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên, trên thực tế nếu thuận lợi cũng phải năm 2013 các nhà máy trên mới có thể đưa vào vận hành được. Đã vậy còn nhiều dự án xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng vẫn chưa xác định được chủ đầu tư.
Nhìn lại quá trình từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã mấy thập kỷ đi qua, nhưng nước ta chỉ mới xây dựng được khoảng trên 26.000 MW công suất điện. Vì vậy, để đạt mục tiêu 75.000 MW trong 8 năm tới phải xây dựng thêm 49.000 MW, là vấn đề rất lớn, khó lòng thực hiện được. Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho biết, trong điều kiện thuận lợi, mỗi một dự án, đặc biệt là các dự án nhiệt điện chạy than có tổ máy 600 MW hoặc điện hạt nhân phải có thời gian đầu tư xây dựng không dưới 7-8 năm.
Tháng 9/2011, VEA đã có văn bản gửi tất cả các vị lãnh đạo cao cấp nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ vì cho rằng: “sự chậm trễ của các dự án năng lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh”. Bản kiến nghị đã phân tích làm rõ các nguyên nhân gây nên sự chậm trễ của các dự án điện. Gần đây, một lần nữa VEA lại sốt ruột với tiến độ thực hiện dự án điện.
VEA phân tích: Một điểm nhấn trong Quy hoạch điện VII là chọn hướng phát triển mạnh các NMNĐ chạy than để đạt sản lượng như mục tiêu. NMNĐ chạy than được lựa chọn trên cơ sở phân tích: tiềm năng các dự án thủy điện sẽ được khai thác hết vào năm 2017; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo không cao nên các dự án nhà máy điện chạy khí, dầu chưa có hướng phát triển mạnh do hạn chế về nguồn cung cấp nhiên liệu; các nhà máy điện hạt nhân sớm nhất cũng phải đến năm 2020 mới vận hành. Theo Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011-2020 sẽ xây dựng 36 NMNĐ. Đến nay 31 dự án đang ở các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, 2 dự án chưa xác định chủ đầu tư. Với tình hình này, VEA khẳng định rằng kế hoạch phát triển các NMNĐ chạy than “có khả năng bị chậm nhiều so với tiến độ của Quy hoạch điện VII”.
Đánh giá lại tiến độ các dự án theo Quy hoạch điện VII, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, sau 5 năm thực hiện, khối lượng đầu tư công trình nguồn điện chỉ đạt 69% so với kế hoạch; tổng công suất nguồn đưa vận hành đạt 69,1%; đầu tư lưới điện truyền tải chỉ đạt 50% so với yêu cầu. Nguyên nhân chính của sự chậm chạp là khó khăn về vốn, tiếp đến năng lực nhà thầu hạn chế và vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc thực hiện vai trò kiểm soát và quản lý Nhà nước.
Rất sốt ruột với tiến độ thực hiện, VEA kiến nghị “các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo Nhà nước dành tối đa thời gian cho công việc này bởi cơ sở hạ tầng điện lực là một trong các yếu tố tác động trực tiếp đến sự phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước, đến đời sống của nhân dân”. Được biết Ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 2449/QĐ-TTg ngày 26/12/2011. Trưởng Ban là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Trưởng Ban là Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Việt Sang