Vốn ngân hàng hỗ trợ cây tiêu phát triển
Hiệu quả đồng vốn
Thiên nhiên ưu đãi. Đất bazan màu mỡ. Nông dân các dân tộc anh em ở Tây Nguyên không phân biệt Kinh, Tày, Nùng, Bana, J’rai, Ê đê, M’nông với đôi tay không quản nhọc nhằn, chuyển hoá từng tấc đất thành những “vàng trắng, vàng đen” xuất khẩu đi khắp thế giới đem nguồn ngoại tệ lớn về cho đất nước.
Tại đây, ta có thể bắt gặp những buôn, làng có hàng trăm hộ trồng tiêu thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Như huyện Chư Sê (Gia Lai), Ea Kar (Đăk Lăk), Đăk Song (Đăk Nông) hàng ngàn nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng tiêu, mang lại cuộc sống sung túc, giúp bao gia đình đổi đời. Cây tiêu thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Nắng sớm, sương mờ giăng khắp sườn đồi. Rời Pleiku, tôi ngược Quốc lộ 14 theo hướng Đăk Lăk để “mục sở thị” hiệu quả sử dụng vốn vay sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Xe đang bon bon. Thả mơ màng trước bạt ngàn hồ tiêu, bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su lung linh sương trong nắng sớm. Chợt hiện về câu chuyện của Giám đốc Agribank Gia Lai, Phan Tiến Thu trao đổi với tôi chiều hôm trước, nhà báo muốn tìm hiểu về cây tiêu, các cán bộ tín dụng sẽ đưa nhà báo đi Chư Sê, Chư Pưh, ngược lên Đức Cơ tha hồ khám phá. Cây tiêu có nhiều chuyện để khai thác, vui buồn có cả. Có nơi cả làng nông dân đều trở thành tỷ phú... mà hầu hết đều là khách hàng của Agribank.
Miên man theo cảnh thiên nhiên hùng vĩ, xe vượt quãng đường dài nhưng cảm giác thật nhanh, thoắt đã đến Agribank Chư Pưh. Tầm 8 giờ sáng, đợi khoảng 15 phút. Giám đốc Agribank Chư Pưh về tới trụ sở. Trông anh giống như một nông dân hơn giám đốc chi nhánh ngân hàng.
Thấy tôi ngạc nhiên, Giám đốc Lưu Minh Hùng nhanh miệng: Vào làng từ sớm, gặp khách hàng thu nợ. Vào trễ, người dân sẽ đi rẫy hết. Nhắc khách hàng đến kỳ trả nợ, chứ không trễ hạn. Nông dân là vậy! Bám riết lấy rẫy! Ngày nay, với chính sách đại đoàn kết dân tộc, tự do tín ngưỡng, ưu tiên cấp đất nông nghiệp cho hộ đồng bào sản xuất. Cùng với chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân như được “chắp thêm cánh”.
Họ đẩy mạnh phát triển sản xuất. Có thu nhập ổn định. Thoát khỏi đói nghèo. Không di cư tự do như trước. Hiện tượng nghe lời xúi giục của kẻ xấu bỏ buôn làng, bỏ rẫy vượt biên trái phép không tái diễn. Nay đâu đâu cũng gặp triệu phú, tỷ phú “chân đất”. Nhiều người trồng tiêu xây nhà biệt thự, mua ô tô và cả cho con du học.
Giám đốc Hùng cho hay, tính đến cuối tháng 9/2014, trên địa bàn huyện Chư Pưh có tổng diện tích trồng tiêu trên 2.300ha. Đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương này. Dưới góc nhìn của nhà ngân hàng, mang vốn đi đầu tư, Giám đốc Agribank huyện Chư Pưh Lưu Minh Hùng đánh giá, hiện tổng dư nợ cho vay của chi nhánh trên 320 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay đầu tư trồng và chăm sóc cây tiêu chiếm đến trên 85% tổng dư nợ, tương đương khoản gần 290 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của Agribank Chư Pưh hiện đang rất tốt, không có nợ xấu.
Bên cạnh sự hỗ trợ vốn, nhà nông rất cần Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống
Giúp dân làm giàu
Giám đốc Hùng đưa tôi đi thăm vườn tiêu của ông Ngô Kim Anh, xã Ia Phang, Chư Pưh. Xe len lỏi giữa các rẫy tiêu. Đường giao thông qua buôn làng được bê tông hoá. Xe chạy thật êm. Không còn lắc lư như trước. Gió lùa qua cửa xe, cảm giác mát tự nhiên đến khó tả. Từ xa, nhìn hàng nghìn trụ tiêu xanh biếc giữa cái nắng vàng của mùa thu trông như bức tranh khổng lồ. Đúng như lời người ta nói: Muốn biết nơi nào giàu hay nghèo không cần nghe báo cáo, thống kê, chỉ cần quan sát nhà dân và vào chợ sẽ biết ngay.
Dãy nhà xây mái ngói đỏ khang trang hiện ra. Vừa gặp, chủ nhân vườn tiêu 5.000 trụ, ông Ngô Kim Anh cho hay, trước đây, gia đình nghèo lắm! Nhờ vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, rồi dần dà khá lên, quy mô được mở rộng. Cùng sự quan tâm của chính quyền, chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình khuyến nông triển khai đến tận hộ dân, giúp sản xuất càng thuận lợi. Nếu vụ 2013-2014 giá ổn định trên 160.000 đồng/kg, với 5.000 trụ tiêu ăn chắc hơn 1 tỷ đồng. Gần đây, nhờ giá tiêu liên tục tăng nên bà con trong xã giàu lên rất nhiều.
Với chương trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân dễ dàng tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn như: hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở. Một lãnh đạo huyện Chư Pưh cho biết, kinh tế địa phương có bước phát triển. Người dân có thu nhập ổn định. Các “điểm nóng” về an ninh, chính quyền tập trung gắn phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng. Tăng cường đấu tranh ngăn chặn xâm nhập, móc nối, vượt biên. Quyết tâm không để xảy ra bạo loạn, giúp đồng bào yên tâm làm giàu ngay trên quê hương.
Ngược lên “chiến trường lửa” Đức Cơ năm nào. Từ Pleiku theo quốc lộ 19 lên vùng biên này khoảng một giờ ngồi xe ô tô. Vùng đất hoang vu, đầy rẫy chiến tích chiến tranh để lại được thay mới bởi màu xanh của cây công nghiệp. Bên tách cà phê đặc quánh của xứ sở Tây Nguyên, lão nông Nguyễn Văn Nhi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ nhớ lại, từ Bình Định, sau giải phóng gia đình lên Đức Cơ lập nghiệp. Có vốn ngân hàng cho vay, gia đình khai hoang đất trống, đồi trọc, đào ao, dẫn nước... Nay trang trại phát triển hơn 17 ha. Trong đó, có 10 ha tiêu. Thu hoạch từ cây tiêu ít nhất cũng 20 tấn/vụ, thu hơn 3 tỷ đồng...
Đi vòng các xã Ia Din, Ia Dom, Ia Dơk, Ia Lang, Ia Pnôn... Rồi ngược lên cửa khẩu Lệ Thanh, nơi hàng trăm xe tải xếp hàng làm thủ tục nhập khẩu nông sản từ nước bạn Campuchia về Việt Nam. Đường sá mở rộng, nhà cửa khang trang, bề thế. Theo cảm nhận của tôi, các làng đồng bào J’rai không còn những túp nhà sàn lợp lá xiêu vẹo.
Thay vào đó, những ngôi nhà sàn vững chãi mái ngói đỏ tươi. Không còn cảnh những phụ nữ ngực trần, lưng còng vì nhịp chày giã gạo, giã bắp... Máy xay xát thay cho những chiếc cối đá giã mòn vẹt đáy. Tất cả phủ lên vùng đất biên cương một chiếc áo mới, một diện mạo nông thôn mới...
Ai từng về vùng biên Tây Nguyên, mới cảm nhận hết cái đổi thay ấy. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, các cán bộ tín dụng của Agribank Đức Cơ phấn khởi, Đức Cơ có nhiều tiềm lực kinh tế đang đầu tư, khai thác, khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh, Quốc lộ 19 được nâng cấp, mặt đường rộng, chạy giữa các khu dân cư trù phú, sâu bên trong những vườn rẫy bạt ngàn màu xanh...
Vẫn còn đó sự trăn trở
Nói như thế, không có nghĩa nông dân ở Tây Nguyên hết khó khăn, gian khổ... Từ ngữ người trồng tiêu không ai dám nghĩ đến: “tiêu chết”. Vì tiêu chết, không thể tái canh ngay trên chính mảnh đất đã trồng. Thế nhưng, mới đây tại xã Ia Vê, huyện Chư Prông có trên 50 ha tiêu đang kỳ thu hoạch bỗng dưng vàng lá, khô thân. Bao nhiêu tiền của, công sức trong hơn 4 năm canh tác bay theo mây khói. Không những thất thu hàng tỷ đồng, mà còn mất trắng hàng tỷ đồng đầu tư.
Thực tế, có 90% hộ trồng tiêu ở Tây Nguyên không nắm bắt được quy trình kỹ thuật. Khảo sát của cơ quan chuyên môn, giống tiêu Lộc Ninh, Vĩnh Linh chiếm 50-70% diện tích trồng tiêu cả nước. Giống tiêu này đều nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; rệp sáp gốc, thối thân, vàng lá, thối rễ tơ theo hướng tăng dần diện tích, cấp độ nhiễm ngày càng nặng. Để giúp nông dân phát triển cây tiêu đúng hướng, hiệu quả trong sản xuất, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên xem xét, hỗ trợ tuyển chọn, tạo giống, nhân rộng giống tiêu sạch bệnh, cung cấp cho bà con cải tạo vườn tiêu.
Chuyến đi này, tôi còn chứng kiến cảnh không ai “liều” bằng người trồng tiêu. Trước sự hấp dẫn về giá. Một nông dân ở huyện Chư P’rông đã phá 4 ha cao su chỉ còn khoảng hơn một năm nữa khai thác mủ, trồng mới hàng nghìn trụ tiêu. Không biết rủi ro về thời tiết, sâu bệnh đang rập rình, có nguy cơ mất cả tỷ đồng đầu tư... Thực trạng mang tên điệp khúc “trồng – chặt” luôn tái diễn.
Ở Tây Nguyên, người dân không “tiếc tay” triệt hạ hàng trăm hecta cà phê, cao su, điều để trồng tiêu. Thậm chí, những ai không có cà phê, điều, cao su để phá bỏ thì phá rừng lấy đất trồng tiêu. Việc mở rộng diện tích trồng tiêu vẫn tự phát, thiếu định hướng chiến lược, phá vỡ cơ cấu cây trồng từng vùng.
Trở về trong chiều tà, ánh nắng cuối ngày trải dài nơi sườn đồi, cảm xúc buồn, vui cứ siết lấy tôi. Bởi nhiều nông dân thành công trong trồng cây tiêu, song không ít người lâm cảnh nợ nần. Suy cho cùng, nông dân chỉ mới dừng lại ở “quy trình” tự phát.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cần có chiến lược, hình thành vùng trồng tiêu chuyên canh theo quy hoạch. Mà hơn ai hết, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng phải đóng vai trò đầu tàu trong định hướng triển cho nông dân. Cùng đó phải có sự đầu tư phát triển cây giống sạch bệnh. Canh tác có quy trình kỹ thuật... để nông dân không phải hát mãi điệp khúc buồn “trồng – chặt”.
Hiện diện tích hồ tiêu cả nước trên 60.000 ha, chiếm gần 10% diện tích; sản lượng chiếm 30% hồ tiêu toàn cầu; xuất khẩu năm 2013 trên 133.000 tấn, sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; và chiếm đến trên 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. |
Ghi chép của Công Thái