Vòng xoáy thâu tóm trên thị trường Việt
Nhà ĐTNN chi gần 3 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam | |
Thu hút được 12,94 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm | |
Cần phát triển thị trường vốn để hỗ trợ ngân hàng |
Thống kê mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy trong tháng 7/2016 vừa qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ trên 50% của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các DN Việt Nam gia tăng một cách đột biến.
Cụ thể, nếu tính từ đầu tháng 7/2016 đến 20/7/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ khoảng 1,89 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ trên 50% hoặc mua cổ phần của các DN thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì chỉ trong vòng 3 tuần đầu của tháng 7/2016, tổng số vốn góp, mua cổ phần trên 50% của các nhà đầu tư nước ngoài đã ở mức hơn 1,51 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Chỉ trong vòng tháng 7/2016 đã có 1.284 DN, tổ chức kinh tế của Việt Nam được các đối tác nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ trên 50%. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 33 DN được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn với tổng vốn góp 350,1 triệu USD; lĩnh vực bán lẻ có 57 dự án được góp vốn với tổng trị giá 318,9 triệu USD.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài dồn dập bỏ vốn thâu tóm các DN bất động sản và bán lẻ Việt Nam trong tháng 7 vừa qua cho thấy các mảng thị trường này sau vài năm rình rang các thương vụ chuyển nhượng đã bắt đầu quay trở lại trạng thái ổn định với một bộ mặt khá mới mẻ.
Trong lĩnh vực bất động sản, sự xuất hiện của hàng loạt các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore trong các dự án căn hộ tầm trung và cao cấp không còn xa lạ với người mua nhà. Sự hấp dẫn của việc đầu tư thâu tóm các dự án bất động sản tầm trung và cao cấp được các chuyên gia kinh tế đánh giá là sẽ tiếp tục diễn ra mạnh trong 6 tháng cuối năm bởi hiện nay khác với phân khúc bất động sản tầm thấp, mãi lực ở các phân khúc tầm trung và cao có sự gia tăng mạnh mẽ.
Việc nới luật cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở, đồng thời việc giải phóng lớn được một lượng hàng tồn kho từ các năm trước, khiến cho các công ty bất động sản trong nước phục hồi phần nào khả năng tài chính. Tuy nhiên, thời điểm này họ phải đối mặt với sự chia sẻ vai trò quản trị với các đối tác nước ngoài. Bởi những năm vừa qua hàng loạt công ty, dự án bất động sản trong nước đã đón nhận nguồn vốn góp từ các DN ngoại với những tỷ lệ góp vốn nhất định.
Khi thị trường phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn biến khoản vốn góp sẵn có của mình trở thành các khoản đầu tư mang tính thâu tóm. Các DN bất động sản trong nước một mặt cạn vốn sau thời gian dài thị trường đóng băng, giờ là lúc buộc phải nhượng lại một phần kiểm soát cho các đối tác nước ngoài ở các dự án cần vốn lớn.
Tương tự, ở mảng thị trường bán lẻ, việc ồ ạt đầu tư của các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Nhật Bản trong các năm 2014-2015 bắt đầu kết thúc giai đoạn thử nghiệm. Từ đầu 2016 đến nay hàng loạt các vụ chuyển nhượng lớn như vụ mua Metro Cash&Carry Việt Nam với giá 32 triệu USD của Tập đoàn Berli Lucker (Thái Lan); vụ mua 49% mảng điện máy từ Nguyễn Kim của Tập đoàn Central Group, vụ thâu tóm và đầu tư hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản)… cho thấy rằng các nhà bán lẻ nước ngoài đã bắt đầu trực tiếp tham gia thị trường và trở thành những ông chủ mới.
Sự đổi ngôi trên thương trường bất động sản cũng như bán lẻ xét ở góc độ người tiêu dùng, hoàn toàn có thể xem như một tín hiệu đáng mừng trong chuyển động cạnh tranh về chất lượng và sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, việc “lấn sân” của các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy rằng nội lực của khối DN nội đang càng lúc càng trở nên hạn chế. Khối DN tư nhân trong các lĩnh vực có khả năng sinh lời và đóng góp lớn cho nền kinh tế như bất động sản và bán lẻ vẫn chưa được Chính phủ tạo những điều kiện cụ thể hậu thuẫn cho một năng lực cạnh tranh mang tầm khu vực.