Xem xét thận trọng việc xóa 1,5 tỷ USD nợ đọng thuế
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi hơn 30 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, là rất lớn, do vậy vấn đề này sẽ được xem xét thận trọng và minh bạch. Ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ trong báo cáo cần đánh giá rõ trách nhiệm của người nộp thuế, của người thu thuế và của cả chính quyền địa phương để Quốc hội xem xét.
Dự kiến dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Báo cáo tại phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.
Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm. Bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống 7,6% năm 2017 và còn 7% tính đến cuối năm 2018.
Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Trong đó, Cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, trong số này, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.
Cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, trong số này tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan Hải quan quản lý; tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên: do có một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự; có 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định; có 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định; và có hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế...
“Luật Quản lý thuế được xây dựng cách đây 10 năm, đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên các trường hợp xử lý xóa nợ đọng thuế chưa bao quát hết tình hình thực tiễn do nhiều nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh thực tiễn công tác quản lý thuế. Để giải quyết toàn diện nợ đọng, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị.
Thẩm tra sơ bộ về dự án Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Quản lý thuế và các đạo luật khác về thuế dẫn đến việc thay đổi các các chính sách thuế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để giải quyết các vấn đề về nợ thuế tồn đọng trong thời gian dài.
Song dưới góc nhìn chuyên môn về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hải cho rằng bên cạnh việc nhiều cá nhân mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp ngừng kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản; chủ doanh nghiệp tư nhân bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự…, thì còn do các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh lỏng lẻo, việc phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, cấp phép đăng ký kinh doanh chưa thực sự hiệu quả dẫn đến việc có rất nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh gây nợ đọng thuế.
Việc nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017.
Đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ đối với Luật Quản lý thuế nói chung và pháp luật về quản lý nợ thuế nói riêng. Tuy nhiên, nguyên tắc là phải đảm bảo mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước; phải đảm bảo tính công khai và ngăn chặn các đối tượng cố tình chây ì, trốn thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách mới để trục lợi.
Đồng thời, chỉ tập trung vào việc xóa nợ tiền thuế đối với các đối tượng nợ tiền thuế không có khả năng thu nhưng chưa xử lý được theo quy định của pháp luật hiện hành và đã được kiểm tra, theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định để tránh việc lợi dụng, tạo tâm lý chây ì của người nộp thuế để được xóa nợ thuế…