Xử lý nghiêm dịch vụ đổi tiền lẻ
Quản lý được coi trọng
Cùng với công tác tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng đã có những chế tài xử phạt người có hành vi sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không đúng quy định. Kết quả khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích lễ hội bước đầu đã có chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước. Hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh.
Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn công khai tại đường vào Phủ Tây Hồ |
Tuy nhiên cứ đến dịp lễ, Tết là vấn đề này lại “bùng phát” theo thói quen đi lễ cầu may của người dân. Ngày 22/1, ghi nhận của phóng viên TBNH tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), rất nhiều người đi lễ đều cầm trên tay một lượng tiền lẻ và đặt tại tất cả các Ban thờ.
Chị Phạm Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia cho biết: Khi đi lễ, mọi người đều chuẩn bị trước một số tiền lẻ vì tâm lý ai cũng vậy, đi lễ là phải có tiền và phải đặt ở nhiều nơi để cầu may mắn, để các vị thần linh phù hộ và tư tưởng sẽ thấy thoải mái hơn... Chính với những tư tưởng cho rằng phải có tiền đặt tại tất cả các ban thờ để chứng minh lòng thành với thần linh nên người đi lễ sử dụng tiền lẻ còn khá lớn.
Bác Trương Tiến Hồi, Phó Ban quản lý khu di tích Phủ Tây Hồ cho biết, lượng khách đến Phủ thường xuyên rất đông, diễn ra suốt cả năm. Vào các dịp như ngày Rằm, mùng Một, Tết… thì lượng người đến lễ đông hơn. Trên thực tế, tâm lý của mọi người đi lễ chùa đều muốn rải tiền tại tất cả các Ban để thần linh chứng giám.
Theo thống kê tiền công đức vào Phủ, số lượng tiền lẻ mệnh giá thấp chiếm tới 70%. Thực hiện chủ trương của nhà nước về việc sử dụng tiền lẻ đúng quy định, Phủ đã thường xuyên tuyên truyền để người dân có ý thức trong việc đặt tiền lẻ tại các khay hoặc hòm công đức mà ban quản lý đã đặt sẵn. Trong vài năm gần đây, hiện tượng rải tiền lẻ la liệt tại nhiều nơi như cành hoa, tay tượng đã giảm hẳn. Và đến nay, mọi người đã có ý thức đặt tiền vào khay và hòm công đức. Đây là thành công bước đầu trong việc tuyên truyền đến người dân.
“Với việc trước đây Phủ đã thực hiện thành công quy định cấm thắp hương tại một số ban thờ thì ban quản lý cũng rất mong muốn người đi lễ sẽ thực hiện nghiêm chỉnh việc đặt tiền lẻ đúng quy định”, bác Hồi chia sẻ.
“Dịch vụ” vẫn tồn tại công khai
Nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân vẫn còn nên dịch vụ đổi tiền lẻ tại cổng nhiều đền, chùa vẫn tồn tại công khai nhiều năm nay. Thực chất, dịch vụ đổi tiền lẻ là hình thức ăn chênh lệch với tỷ lệ đổi 10 ăn 7 hoặc 8 (nghĩa là khách hàng bỏ ra 1 triệu đồng tiền chẵn chỉ thu về từ 700 đến 800 nghìn đồng tiền lẻ).
Tiền lẻ vẫn được sử dụng nhiều tại đình chùa |
Sau khi NHNN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những văn bản chỉ đạo nghiêm cấm thì hoạt động này đã giảm mạnh. Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm và chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tại 21 ki ốt trong khuôn viên Phủ Tây Hồ với các loại hình dịch vụ như viết sớ, hương hoa và các loại hoa quả để đặt lễ đã không còn xuất hiện những chiếc tủ bày bán tiền lẻ. Tuy nhiên, bác Trương Tiến Hồi cho biết, tại những hàng quán bên ngoài đường vào Phủ do không thuộc thẩm quyền của Ban quản lý nên vẫn còn nhiều cửa hàng chào mời khách đổi tiền lẻ.
Rời Phủ Tây Hồ, phóng viên đến Đền Mẫu (Hưng Yên) - một trong những điểm thu hút rất đông khách hành hương hàng năm. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực đền Mẫu không còn hiện tượng bày bán cũng như dịch vụ đổi tiền.
Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Quang Trung) cho biết, chị thuê cửa hàng bán các đồ cúng lễ tại cổng đền Mẫu hơn chục năm nay. Trước đây chị cũng có đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu những người đến lễ. Nhưng từ năm 2013, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm hành vi đổi tiền lẻ và tất cả các cửa hàng đều ký bản cam kết bằng văn bản không kinh doanh dịch vụ đổi tiền. Ông Trần Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung khẳng định, từ khi Nhà nước có quy định nghiêm cấm dịch vụ đổi tiền lẻ tại lễ hội, phường đã phối hợp với các ban ngành và Ban quản lý di tích quyết liệt thực hiện, đồng thời tuyên tuyền đến nhân dân nên đến nay không còn hiện tượng đổi tiền lẻ.
Chính sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như công tác tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, chính sách về lễ hội cho người dân, việc thực hiện sử dụng tiền lẻ đúng mục đích và xử lý dứt điểm dịch vụ đổi tiền sẽ là một nét đẹp của lễ hội đầu năm.
NHNN đã và đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Bộ, ban, ngành có liên quan để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. |