50 doanh nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam 2022
Ngày 15/9, Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam (VIAE 2022) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển bền vững cho tương lai tươi sáng”.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi và hợp tác giao thương nhằm phát triển và thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực hàng không; quảng bá hình ảnh ngành hàng không, thương hiệu hàng không Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Triển lãm tạo điều kiện để các hãng hàng không, tổ chức hàng không Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, triển lãm các sản phẩm, mang hình ảnh của mình tới cộng đồng quốc tế và hàng không thế giới.
Ông Hồ Minh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, trải qua 2 năm đại dịch, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, đạt sản lượng cao hơn nhiều so với sản lượng trước năm 2019, nhưng cũng có nhiều thách thức phải đối mặt.
VIAE 2022 là nơi trưng bày các thiết bị, công nghệ hàng không tiên tiến, các mô hình máy bay hiện đại đến từ các quốc gia có ngành hàng không vũ trụ phát triển hàng đầu, cũng như những trường đào tạo hàng không, các đơn vị sản xuất phục vụ ngành hàng không… để cập nhật những dịch vụ, sản phẩm, công nghệ tiên tiến của ngành, gắn kết doanh nghiệp.
Đặc biệt, VIAE 2022 có sự góp mặt của hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing (Mỹ) và Embraer (Brazil). Đây là hai hãng máy bay đứng đầu thế giới, có những định hướng phát triển tại thị trường Việt Nam, mang đến triển lãm những sản phẩm tàu bay thế hệ mới với nhiều công nghệ tiên tiến.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 còn có nhiều hội thảo, diễn đàn cho các nhà khoa học hàng không, các chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp kết nối kinh doanh, chia sẻ các cơ hội mới với nhiều chủ đề như phục hồi và phát triển hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới; Chiến lược phát triển đội tàu bay thế hệ mới của hàng không Việt Nam đến năm 2025; Phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới; Chuyển đổi số trong ngành quản lý bay của Việt Nam…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, với 23,3 triệu lượt khách, tăng hơn 74,2% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 60% cùng kỳ năm 2019 với hơn 60 đường bay nội địa nối các thành phố lớn trên toàn quốc được khai thác triệt để.
Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6% và khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Tổng lượng ghế cung ứng nội địa và quốc tế của Việt Nam đạt hơn 6,5 triệu ghế, đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt người.
Riêng thị trường nội địa Việt Nam dự báo phục hồi ở mức 96% ngay trong năm 2022. Các hãng hàng không cũng đang từng bước khai thác trở lại tất cả đường bay, tăng tần suất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cấp và hoàn thiện hoạt động khai thác để mang đến những trải nghiệm bay an toàn, thuận tiện. Theo đó, đường bay quốc tế đã được các hãng hàng không Việt Nam nối lại với nhiều quốc gia, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Với tốc độ phục hồi và tiềm năng trên, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã xây dựng chiến lược phát triển tập trung vào thị trường Việt Nam tiềm năng. Để theo kịp với sự phát triển của công nghiệp khai thác các hãng hàng không, cơ sở hạ tầng sân bay ở Việt Nam cũng cần được nâng cấp và mở rộng.
Hiện nay, Chính phủ và Nhà nước đang chỉ đạo rà soát và mở rộng hạ tầng sân bay (trong đó có Sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nóng) nhằm gỡ khó cho các hãng hàng không. Ngoài ra, Chính phủ cũng chú trọng vào dự án Sân bay Long Thành - dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.