An toàn cho du lịch mạo hiểm
Đối mặt với hiểm nguy
Khoảng chục năm trở lại đây, nước ta xuất hiện một số loại hình du lịch mạo hiểm như: Đu dây tử thần (Zipline), chèo thuyền kayak, chèo thuyền hơi vượt thác, leo núi, lặn biển, dù lượn… nhưng thịnh hành nhất vẫn là leo núi và lặn biển. Một số loại hình khác đang phát triển, như dù lượn, mới xuất hiện 10 năm nay nhưng đã và đang thu hút khoảng 200 người tham gia ở các câu lạc bộ (CLB) như: CLB Dù lượn Hà Nội, CLB Dù lượn Mê Kông, CLB Vietwings…
Du lịch mạo hiểm đang thu hút một lượng lớn người tham gia
Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch mạo hiểm vẫn còn quá nghèo nàn và kém chuyên nghiệp nên chưa thu hút được nhiều người tham gia so với tiềm năng. Về cá nhân, trừ một số ít người kinh nghiệm “đầy mình”, thì không ít chỉ là đi theo phong trào, thậm chí chỉ để chứng tỏ mình có khả năng, đã từng chinh phục một độ cao nào đó, một môn nào đó.
Do vậy, họ chưa chuẩn bị tốt tâm lý, thậm chí đi không theo tổ chức, trốn vé, nên khi gặp nạn không hề có bảo hiểm. Và cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát nếu chẳng may mất tích, hoặc tai nạn xảy ra. Đơn cử như tour chinh phục đỉnh Fanxipan (Sa Pa - Lào Cai), giá cho đoàn 10 người là hai triệu đồng, nhưng nếu khách “đi chui” chỉ cần thuê một người dẫn đường với giá 300 ngàn là có thể vi vu thưởng ngoạn cảnh mây trời.
Vụ mất tích của sinh viên Phạm Ngọc Ánh (sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) vừa qua là một lời cảnh báo cho tất cả những ai có ý định leo Fanxipan mà không có tổ chức.
Nhân, một du khách vừa kết thúc chuyến “hành xác” leo đỉnh Fanxipan vẫn chưa hết cảm giác ngộp thở, chia sẻ: “Trong suốt hành trình dài 3143m, chủ yếu đoàn di chuyển trên men sườn núi và đỉnh núi. Địa hình thì muôn hình vạn trạng. Có đoạn dốc đá dựng đứng, có đoạn hẹp chỉ đi vừa một bàn chân, phải nép mình vào sườn đá không dám nhìn xuống vì dưới là vực thẳm, nhưng “rợn” nhất vẫn là những vách đá lởm chởm, phải dùng cả chân và tay để bò, đến giờ tôi vẫn cảm giác sợ…”.
Bạn Quang Tuấn, người vẫn đang “hành xác” vào các hang cùng ngõ hẻm vùng Tây Bắc, tham gia nhóm Dù lượn Hà Nội tâm sự, du lịch mạo hiểm trong giới trẻ hiện nay đang là một trào lưu, chỉ một số ít bạn là đam mê thật sự. Do vậy họ chưa được đào tạo và rèn luyện thuần thục các kỹ năng, nên phải đối mặt với rủi ro khá cao.
Tuấn chỉ ra cụ thể: “Ngay cả với khoảng 200 bạn trẻ trên cả nước tham gia vào các nhóm dù lượn cũng vậy. Ngoài đam mê họ phải đủ sức khỏe, chịu áp lực và đứng ở tâm thế đối mặt với rủi ro bất cứ lúc nào. Do biết được mình đang ở đâu, nên họ cố gắng tập luyện, tối đa hết mức có thể để an toàn”.
Đồng quan điểm với Tuấn, hai bạn Nguyễn Quỳnh Thu và Lê Thu Trang đã quyết tâm chinh phục bầu trời để chứng tỏ nữ giới cũng có thể làm được những điều mình mong muốn. Hai cô tham gia CLB Dù lượn Hà Nội và luôn nỗ lực vượt khó, tuân thủ những kỷ luật tập luyện ngặt nghèo. Theo hai cô gái trẻ, ngày nay đã có nhiều bạn nữ dám tham gia vào những pha mạo hiểm và với họ chuyện trầy xước cơ thể là bình thường, không thể cản trở họ bay trên bầu trời.
Sớm định hình sản phẩm
Theo khảo sát, một số công ty du lịch trong nước đã rất quan tâm tổ chức các tour mạo hiểm như Lửa Việt, Hồng Bàng, Marco Polo, Exotissimo, Topas travel, Handspan travel, Saigontouris... song cũng chỉ chọn đưa ra những tour đơn giản làm “gia vị”. Một lý do được đưa ra, là tâm lý của người Việt Nam chưa quen với hình thức du lịch mà phải chịu khó, chịu khổ như khách nước ngoài.
Và cho đến nay vẫn chưa thật sự được định hình rõ rệt. Ông Nguyễn Duy Hiếu, Trưởng bộ phận Marketing Công ty Viet Premier Tours JSC cho biết: “Du lịch mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao trong tổ chức tour vì nó liên quan trực tiếp đến an toàn của du khách, hơn nữa lại phải chi phí rất nhiều vào việc mua sắm thiết bị, dụng cụ phục vụ tour. Tại Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ công ty nào sản xuất thiết bị cho du lịch mạo hiểm. Hầu hết đều phải đặt mua từ nước ngoài với cái giá đắt đỏ”.
Để giảm chi phí, không ít công ty du lịch đã mua thiết bị kém về phục vụ khách thuê, theo đó độ an toàn kém hơn. Thêm nữa, nước ta chưa có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm lành nghề. Điều này khiến du khách nước ngoài đắn đo khi mua tour mạo hiểm ở nước ta. Trong khi đó, nhìn sang nước bạn như Malaysia, Thái Lan, họ thuê chuyên gia có trình độ huấn luyện, chất lượng những thiết bị du lịch, dụng cụ thể thao cũng được đưa lên hàng đầu.
Sốt ruột cho ngành, PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho biết: “Du lịch nước ta chưa chủ động tạo các tour, sản phẩm mới, đa số vẫn chỉ trông chờ khai thác tiềm năng sẵn có. Đã đến lúc, ngành cần định vị được thương hiệu, đưa ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ du khách”.
Tâm sự của ông Lương, cũng là tâm sự chung của nhiều chuyên gia khác, đồng thời thống nhất chung một quan điểm: muốn thu được lợi nhuận thì phải có chính sách phát triển bền vững, tạo ra những cái khác biệt, níu chân du khách, tránh tình trạng na ná nhau. Và, những loại hình du lịch mạo hiểm, năng động, thu hút du khách là điều mà ngành du lịch nước ta có thế mạnh lớn, có thể phát huy.
Một chuyên gia gợi ý, nên tạo ra nhu cầu, để lôi kéo cái cung và làm sao nhanh chóng định hình được các sản phẩm mạo hiểm. Theo đó, cần có chính sách đào tạo hướng dẫn viên để họ đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đặt ra. Các cơ quan chức năng cần sớm “vẽ đường” để tạo nên một thương hiệu du lịch mạo hiểm, thay vì để tổ chức nhộn nhạo, manh mún và tự phát như hiện nay.
Thanh Thủy