Áp dụng công nghệ để phát triển nuôi trồng thủy sản
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTN, chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển là một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong đó giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển cũng như khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.
Để hiện thực hóa định hướng này, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 850 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1,0 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 1,45 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.
Nhằm từng bước chuyển dịch nuôi biển thủ công ven bờ sang nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và hải đảo với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, được các chuyên gia chỉ ra là chỉ có ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi biển công nghiệp sẽ giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn.
Thêm nữa, phát triển kinh tế biển còn kéo theo sự hình thành và phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ mới, như lĩnh vực hậu cần, thức ăn chăn nuôi hải sản. Qua đó góp phần tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, biển đảo của Tổ quốc.
Về phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp công nghệ để chia sẻ dựa trên những bài học với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng. Trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam.
Ông Arne -Kjetil Lian, Tham tán thương mại Na Uy - Giám đốc Innovation Norway chia sẻ, cơ chế phối hợp 3 bên gồm các cơ quan nhà nước như Tổng cục Thủy sản, các doanh nghiệp lớn của ngành và các cơ sở nghiên cứu khoa học – mô hình tam giác được Na Uy áp dụng thành công khi xây dựng ngành công nghiệp cá hồi phát triển như ngày hôm nay.
Các trang trại nuôi cá của Công ty TNHH Thủy Sản Australis Việt Nam - công ty 100% vốn nước ngoài của Mỹ đang hoạt động tại tỉnh Khánh Hòa, đang sử dụng những lồng nuôi lớn bằng nhựa được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến của Na Uy. Là đơn vị hàng đầu thế giới về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá chẽm, trang trại nuôi cá của công ty rất giống với các trang trại nuôi cá hồi của Na Uy.
Đặc biệt, hệ thống cho cá ăn tự động áp dụng công nghệ 4.0 có camera giám sát có thể giúp người nuôi giảm thiểu chi phí thức ăn, gián tiếp giảm giá thành sản phẩm và cũng giúp bảo vệ môi trường.
Lần đầu tiên một chương trình dạy nghề được xây dựng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho nghề nuôi biển công nghiệp của Việt Nam thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) trong 2 năm qua, nhằm đảm bảo một đội ngũ công nhân có chất lượng, làm chủ được công nghệ 4.0 và máy móc kỹ thuật đặc thù của ngành, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp. Hiện VCCI đã hoàn thành Bộ tiêu chuẩn nghề cho một số vị trị việc làm chủ chốt, giờ đang tiến hành xây dựng một chương trình đào tạo nghề cụ thể.