Áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu
Củng cố tiềm lực hỗ trợ nền kinh tế
Năm 2021 có thể nói là năm ghi nhận việc tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng, và theo thống kê, năm qua hệ thống ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 110.000 tỷ đồng. Theo đó, thứ hạng của nhiều ngân hàng trong bảng xếp hạng về vốn điều lệ đã ghi nhận sự xáo trộn tương đối mạnh mẽ. Dự báo, thời gian tới, thứ hạng này sẽ tiếp tục có những biến động trong năm 2022 khi nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn như BIDV, Vietcombank, ABBank, MB, OCB, SHB…
Lý do các ngân hàng vẫn dồn dập tăng vốn được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận sẽ giúp củng cố sức khoẻ tài chính của các ngân hàng, nhằm đáp ứng quy định các chỉ số an toàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vốn điều lệ dày dặn sẽ là một trong những yếu tố giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Song chuyên gia này cho rằng, năm 2021 nhiều ngân hàng tăng được vốn điều lệ nhưng áp lực đối với các ngân hàng trong câu chuyện này vẫn là rất lớn, và luôn thường trực, không kể là khối NHTM Nhà nước hay NHTMCP tư nhân. Bởi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thị trường nhiều biến động phức tạp, và tác động dịch Covid-19 thì không có một kịch bản nào lường hết được.
Tăng vốn sẽ giúp tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế |
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel II và đặc biệt giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, nếu không tăng được vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng bị giảm đi.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì tăng trưởng tín dụng tương đối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong giải trình mới đây trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đặc biệt nhấn mạnh việc tăng vốn cho Agribank và các NHTM Nhà nước là vô cùng cần thiết vì tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam so với các nước còn khá thấp. NHTMCP những năm qua tăng vốn tương đối mạnh mẽ nhưng các NHTM Nhà nước thì khiêm tốn hơn.
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Nhìn nhận khách quan, quy mô vốn của các NHTM Nhà nước vẫn còn khiêm tốn so với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ. Điều đó, phần nào hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên…
Không chỉ các NHTM Nhà nước, tăng vốn cũng là việc làm cần thiết với các NHTMCP và là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống TCTD để có thể tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển các hệ thống TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế… Bởi thế áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng vẫn là rất lớn trong năm 2022.
Chuyên gia cho rằng, triển vọng tăng vốn của các ngân hàng năm 2022 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hoạt động kinh doanh, tác động từ các chương trình hỗ trợ kinh tế, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại…
Trao đổi với phóng viên, TS.Châu Đình Linh nhận thấy, năm 2021 hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn là những điểm sáng, thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực, cổ phiếu tăng giá nên giúp việc phát hành riêng lẻ, hay chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn có những thuận lợi nhất định. Song chuyên gia này cũng cho hay, bước sang năm 2022, nguy cơ nợ xấu dềnh lên là nhìn thấy rõ, nên ngân hàng cũng khó có thể kỳ vọng là kinh doanh có được sự tăng trưởng như năm nay. Tuy nhiên, nếu ngân hàng biết tận dụng lợi thế của mình thì phần nào đó cũng sẽ hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng cải thiện năng lực tài chính.
Ngoài việc cải thiện kinh doanh giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn, thị trường cũng đang kỳ vọng thương vụ bán vốn ngoại của các ngân hàng. Mới đây VPBank đã chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về điều chỉnh room ngoại từ 15% lên 17,5%/vốn điều lệ. Phía Sacombank cũng đánh tiếng về việc sẽ bán 32,5% cổ phần cho hai nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa qua, Vietcombank cũng hé lộ về lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt tăng lên 35%. OCB dự kiến chào bán hơn 882.000 cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Aozora (Nhật Bản). Theo OCB, room ngoại hiện tại của ngân hàng còn dư 10% và đang đàm phán với đối tác nước ngoài để bán tiếp phần còn lại theo quy định.
Chuyên gia nhìn nhận, năm 2022 nhiều ngân hàng có thể sẽ bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thực tế, có thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh sẽ giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19. Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam, như Shinhan Bank, Keb Hana, Woori… đều mong muốn được nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài.