Báo cáo của Citi nhấn mạnh sự cần thiết của một ngôn ngữ chung cho thanh toán toàn cầu
Citi dự báo lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam hậu bão Yagi Citi phân tích tác động kinh tế của hoạt động từ thiện |
Các công nghệ như mã hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, ngân hàng đại lý và thanh toán theo thời gian thực đang tối ưu hóa hiệu suất hoạt động khi quy mô giao dịch mở rộng. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp và khách hàng đều mong đợi dịch vụ thanh toán tức thời và hoạt động 24/7. Trong thế giới số kết nối ngày càng chặt chẽ, việc chuyển tiền xuyên biên giới một cách thuận lợi là rất quan trọng, dù giao dịch lớn hay nhỏ.
Báo cáo của Citi đề cập tới tư duy thanh toán xuyên biên giới mới nhất, đánh giá tình hình hiện tại và dự báo cách lĩnh vực này sẽ phát triển trước sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay. Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát của Bộ phận Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế (TTS) của Citi với khoảng 100 tổ chức tài chính trên toàn cầu, kết hợp với những hiểu biết chuyên sâu từ Nhóm Nghiên cứu Tài chính Tương lai của Citi và các chuyên gia đầu ngành bên ngoài khác.
Báo cáo phân tích cách các ngân hàng truyền thống và các công ty mới có thể thành công trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại, các phương thức thanh toán thay thế, cơ sở hạ tầng tiên tiến và khả năng thanh toán theo thời gian thực. Báo cáo cũng cập nhật tiến độ của lộ trình G20 - một nỗ lực tập thể khiến các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn.
Báo cáo cũng cho biết các ngân hàng tiếp tục mất thị phần vào tay các công ty FinTech. Khảo sát chỉ ra rằng 38% các công ty FinTech dự kiến sẽ giành được 5-10% thị phần trong 2-5 năm tới, tương đồng với kết quả từ khảo sát năm ngoái, khi 89% các nhà quản lý tổ chức tài chính dự báo họ sẽ mất ít nhất 5% thị phần vào tay FinTech.
Hiện nay, các hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng các ngôn ngữ thanh toán tiêu chuẩn khác nhau tại các thị trường khác nhau. Mặc dù điều này không ảnh hưởng đến các giao dịch nội địa, nhưng sự phân mảnh này lại là một trong những trở ngại lớn nhất đối với thanh toán xuyên biên giới, khiến các bên tham gia gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ chung.
Để giải quyết những thách thức này và xây dựng một ngôn ngữ chung cho thanh toán toàn cầu, tiêu chuẩn ISO 20022 đã được áp dụng. Đây là một ngôn ngữ tài chính tiêu chuẩn có tính mở và tính toàn cầu, dành cho các tổ chức tài chính, được quy định bởi một tổ chức thiết lập tiêu chuẩn độc lập, phi chính phủ. Tiêu chuẩn này nhằm giảm thiểu sự phân mảnh trong thanh toán xuyên biên giới, cung cấp dữ liệu phong phú và có cấu trúc cho mỗi giao dịch, cho phép thực hiện những phân tích nâng cao. Điều này trên lý thuyết sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia thị trường. Những dữ liệu phong phú này cũng sẽ thúc đẩy tự động hóa toàn diện trong toàn bộ vòng giao dịch và tăng cường khả năng máy đọc, cho phép xử lý nhanh hơn, minh bạch hơn và cải thiện tương tác giữa các khu vực và hạ tầng tài chính.
“Citi đang ở tuyến đầu của nỗ lực đổi mới thanh toán xuyên biên giới tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng đối với các ngân hàng trong nước, việc cung cấp dịch vụ giao dịch liên tục 24/7 là ưu tiên hàng đầu trong 5 năm tới. Citi đã đầu tư đáng kể vào xây dựng mạng lưới thanh toán xuyên biên giới và cam kết trở thành đối tác tin cậy của các ngân hàng địa phương, mang đến những giải pháp tiêu chuẩn quốc tế cho Việt Nam,” bà Lại Minh Thuý, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế của Citi Việt Nam, chia sẻ.