Báo chí cần bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2025-2030, ông Nghĩa đề nghị các cấp Hội và các nhà báo tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần được triển khai thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn…
Ông Nguyễn Trong Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu báo chí cần bám sát thực tiễn sự nghiệp đỗi mới và phát triển đất nước |
Ông Nghĩa cũng yêu cầu Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc; Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí Trung ương và cấp ủy địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp các hoạt động kỷ niệm, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội và hội viên, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của công chúng báo chí đối với sự kiện quan trọng này.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết toàn quốc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, qua 74 năm thành lập (21/4/1950 - 21/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.
Các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội; vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay; vẫn còn một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam |
Báo cáo tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong năm 2023, các cấp Hội trong cả nước cũng đã chủ động phối hợp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp (tổ chức hơn 162 lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 6.600 lượt hội viên, cán bộ quản lý báo chí). Các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đặc biệt là các tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia và của các bộ, ngành trong cả nước.
"Chủ đề hoạt động của năm 2024 là “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh: Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, hoàn thành chương trình toàn khóa, tiến hành đại hội các cấp hướng tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030", ông Lợi nói.
Ông Dương Danh Hữu, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên phát biểu ý kiến đóng góp |
Nói về khó khăn của báo chí khi tác nghiệp, ông Dương Danh Hữu, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên cho biết, vừa qua, tại các một số cơ quan thường trú vẫn còn tồn tại tình trạng phóng viên, công tác viên vi phạm đạo đức nghề báo, một số đơn vị, cơ quan, ban, ngành còn có tình trạng cản trở phóng viên khi tác nghiệp... Vì vậy, đơn vị muốn kiến nghị Hội cần tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao đạo đức người làm báo; cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường chế tài, pháp luật để ngăn chặn tình trạnh cản trở phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp; tiếp tục nâng cao tập huấn, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ làm báo...
Tổng kết Hội nghị, ông Lê Quốc Minh khẳng định nội dung thảo luận và những ý kiến đóng góp của các đại biểu có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo.
“Năm 2024 là một năm báo chí vượt khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, để tìm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên số. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý và môi trường để các nhà báo - hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo để có những tác phẩm theo hướng báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo; tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp số, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là những chủ thể nòng cốt”, ông Nghĩa nói.