Báo chí tiếp tục góp phần tích cực để thực hiện 'bình thường mới'
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại Giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân phối hợp tổ chức, sáng 8/2, tại Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí luôn đồng hành, chung tay, chung sức, hỗ trợ Chính phủ vượt qua một năm có nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành những mục tiêu lớn trên tất cả các mặt.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2021 có rất nhiều sự kiện lớn, quan trọng, nhưng đất nước ta cũng chịu nhiều đau thương, mất mát do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thì sức sống, những phẩm chất tốt đẹp của từng người dân Việt Nam lại được khơi dậy, lan tỏa, bừng sáng.
Báo chí cần tiếp tục làm thật tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để từng người dân cho đến các doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội đồng thuận, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trong đó lường trước và chủ động truyền thông về những rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra.
Chia sẻ những thách thức của các cơ quan báo chí trước sự cạnh tranh, ảnh hưởng nhiều mặt của mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thời gian tới, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí bằng nhiều hình thức như gặp gỡ, giao ban báo chí, ra thông cáo báo chí,… về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, qua đó hình thành nên các tác phẩm có phân tích nhiều dữ liệu khác để định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận.
Mỗi phóng viên, nhà báo cần luôn cầu thị, trau dồi năng lực, chuyên môn để có những bài viết sâu sắc, chứ không chỉ đưa tin phản ánh đơn thuần. Từng cơ quan báo chí, bên cạnh việc xác định chỗ đứng trong lòng độc giả, thì dưới "mái nhà chung" là Hội Nhà báo Việt Nam, cùng chung tay để phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam thực sự vững mạnh.
Tại giao ban, đại diện Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã điểm qua các nội dung thông tin báo chí dịp Tết Nhâm Dần 2022. Theo đó, các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình Tết được đầu tư công phu, chăm chút về nội dung và hình thức, thể hiện sống động không khí Tết sum vầy, Xuân bình an.
Trang bìa các ấn phẩm, giao diện các trang báo điện tử, hình ảnh các chương trình được trình bày sống động, nêu bật nội dung các sự kiện lớn của đất nước, bộ, ngành, địa phương trong năm 2021, hình ảnh linh vật năm 2022.
Cùng với đó, nhiều cơ quan báo chí chọn một chủ đề trung tâm, xuyên suốt để triển khai các tuyến bài viết, chương trình. Trong đó, chủ đề nổi bật được nhiều cơ quan báo chí lựa chọn là kỳ vọng, khát vọng một năm mới với vận hội mới, kinh tế xã hội phục hồi và phát triển bền vững. Từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, tạo động lực, niềm tin, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19, các cơ quan báo, đài, trang thông tin điện tử, chương trình phát thanh… dành nhiều thời lượng thông tin đậm nét, phân tích, đánh giá bình luận về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã thông tin chuyên đề về việc mở cửa trường học.
Theo đó, cập nhật đến này 7/2, đối với khối Mầm non và Tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022; trong đó 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học học trực tiếp từ ngày 7 đến 14/2/2022.
Khối Trung học cơ sở, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022; trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố đã cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2/2022.
Khối Trung học phổ thông, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 7/2/2022.
100% cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2/2022.
Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, cùng với nhiều giải pháp được đặt ra để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên trong đại dịch cũng như triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở trường học trở lại bảo đảm an toàn. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là kiên quyết, khẩn trương và chu đáo để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất.
Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mở cửa trường học an toàn; trong đó nhiều cuộc họp, hội nghị đã được triển khai nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.
Từ ngày 9/2/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do Bộ trưởng, các Thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Đoàn kiểm tra sẽ cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các sở, ngành liên quan và đại diện các cơ sở giáo dục; trực tiếp kiểm tra tại cơ sở giáo dục, qua đó nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là nhanh chóng mở cửa trường học an toàn ở tất cả các địa phương, bậc học./.