Bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Liên quan đến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3, sáng 5/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí cao đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Để thể chế hóa, cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, cập nhật tình hình, nhất là tình hình, kết quả thực tế đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; đồng thời, phân tích, dự báo tình hình, xu hướng phát triển của đất nước trước những biến động của thế giới từ đầu năm đến nay để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện, trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương lần này.
Nêu rõ, đây là những kế hoạch hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Tờ trình, các báo cáo, tài liệu tham khảo của Ban cán sự đảng Chính phủ, cũng như thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trên thế giới.
Chú ý phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình: Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch; đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Kinh tế-xã hội đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng cũng chưa thật vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính-tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số...
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong Tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo còn có ý kiến khác nhau. Chú ý làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản và đặc biệt là các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra.
Quán triệt thật đúng, tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, quyết sách lớn của Đại hội XIII về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao nội lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển...