Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/1
Năm 2025: Tăng tốc và bứt phá, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026-2030 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 được tổ chức ngày 8/1/2025, Chính phủ nhận định, kinh tế xã hội năm 2024 phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể:
(1) GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09%, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong 15 năm qua. Mức này cũng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trước đó. Cả ba khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9,0% so với năm trước.
(2) Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Bình quân 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.
(3) Xuất nhập khẩu là điểm sáng của năm 2024. Tính chung cả năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tuy chưa đạt con số kỳ vọng 800 tỷ USD nhưng đã tăng 15,4% so với năm trước; cả năm, xuất siêu 24,77 tỷ USD.
(4) Du lịch phục hồi mạnh. Khách quốc tế năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm 2023 và bằng 97,6% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
(5) Cân đối thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt trên 2,03 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán, tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội cho phép.
(6) Hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn FDI đạt nhiều kết quả tích cực. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 ước đạt trên 3,69 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023. thángặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 chỉ đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước nhưng vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.
(7) Tình hình phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Trong năm 2024, có hơn 233 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với trên 76 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023 với tổng vốn đăng ký giảm 1,8%.
(8) Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km. Nhiều dự án, công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm được thực hiện nghiêm túc, thần tốc, như Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng.
(9) Triển khai quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Chính phủ trình Quốc hội thông qua 31 luật, 42 nghị quyết; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết theo hình thức trực tuyến đến 63 địa phương, đổi mới cách làm trong việc đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống….
Chính phủ nhận định, các kết quả tích cực đạt được trong năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tóm lược thị trường trong nước từ 6-10/1
Thị trường ngoại tệ tuần từ 6-10/1, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 10/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.341 VND/USD, tăng 7 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 6-10/1 vẫn biến động tăng - giảm đan xen tuy xu hướng giảm chiếm ưu thế. Kết thúc phiên 10/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.350, giảm tiếp 55 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 10/1, tỷ giá tự do giảm 45 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.655 VND/USD và 25.755 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 6-10/1, lãi suất VND liên ngân hàng tăng khá mạnh ở các kỳ hạn ngắn. Chốt ngày 10/01, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,76% (+0,76 điểm phần trăm); 1 tuần 4,91% (+0,56 điểm phần trăm); 2 tuần 4,97% (+0,49 điểm phần trăm); 1 tháng 5,14% (-0,01 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong tuần qua. Phiên 10/1, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,40% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 4,48% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 4,55% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,60% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 6-10/1, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 55.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 54.999,88 tỷ đồng trúng thầu và có 73.986,12 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở 02 kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày. Có 68.750 tỷ đồng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 35.140 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 52.596,24 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 54.999,88 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 87.530 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Trên thị trường trái phiếu, ngày 8/1, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 323 tỷ đồng/6.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 5%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 176 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 140 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 7 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 nămgọi thầu 1.500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất phát hành kỳ hạn 10 năm là 2,77% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 15 năm là 2,95% (+0,09 điểm phần trăm), 30 năm là 3,22% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 15/1, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.785 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 15.186 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua vẫn trong xu hướng tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 8/1, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,98% (+0,002 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,01% (+0,01 điểm phần trăm); 3 năm 2,05% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,36% (+0,06 điểm phần trăm); 7 năm 2,64% (+0,10 điểm phần trăm); 10 năm 3,03% (+0,05 điểm phần trăm); 15 năm 3,18% (+0,03 điểm phần trăm); 30 năm 3,29% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 6-10/1 tiếp tục tiêu cực, đặc biệt giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 10/1, VN-Index đứng ở mức 1.230,59 điểm, giảm mạnh 24,11 điểm (-1,92%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 6,14 điểm (-2,73%) về mức 219,49 điểm; UPCoM-Index lùi 2,19 điểm (-2,32%) còn 92,15 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng gần 11.900 tỷ đồng/phiên, vẫn giảm từ mức 12.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 327 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp cuối năm 2024, đồng thời nước Mỹ đón nhiều chỉ báo cho thấy thị trường lao động đang khá tích cực. Về Fed, trong biên bản công bố ngày 9/1 theo giờ Việt Nam, cơ quan này nhận định kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ vừa phải và ổn định. Lạm phát đã giảm đáng kể so với đỉnh từ năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao.
Thị trường lao động đã có sự nới lỏng, tuy nhiên không có dấu hiệu xấu đi nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức thấp. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) kiên định với mục tiêu toàn dụng lao động và đạt được lạm phát ổn định ở mức 2% trong dài hạn. Theo đó, cơ quan này quyết định hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản, từ mức 4,50% - 4,75% về còn 4,25% - 4,50% nhằm hỗ trợ mục tiêu trên. FOMC sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng những dữ liệu sắp tới để đưa ra các quyết định tiếp theo.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, tại thị trường lao động, quốc gia này tạo ra 256 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 12, cao hơn mức 212 nghìn của tháng 11 và vượt mạnh so với dự báo ở mức 164 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng vừa qua cũng giảm xuống còn 4,1% thay vì đi ngang ở mức 4,2% theo dự báo. Thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ trong tháng cuối 2024 tăng 0,3% so với tháng trước, nối tiếp mức tăng của tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố nước này tạo ra 8,10 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 11, cao hơn mức 7,84 triệu của tháng trước đó và cao hơn mức 7,73 triệu theo dự báo. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 3/1 ở mức 201 nghìn đơn, giảm từ mức 211 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 214 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 213 nghìn đơn, giảm khá mạnh 10,25 nghìn so với trung bình 4 tuần liên trước.
Cuối cùng, về lĩnh vực dịch vụ, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số PMI lĩnh vực này ở mức 54,1% trong tháng 12, tăng lên từ 52,1% của tháng 11 và đồng thời vượt qua mức 53,5% theo dự báo.
Khu vực Eurozone ghi nhận một số thông tin quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại khu vực Eurozone tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 12, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 11 và khớp với dự báo. Tuy nhiên CPI toàn phần tăng 2,4% trong tháng vừa qua, cao hơn mức tăng 2,2% của tháng 11 và cũng khớp với dự báo.
Tại nước Đức nói riêng, CPI toàn phần tại nước này tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng 12 sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần Đức tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước trong tháng 11 sau khi giảm 0,3% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng 0,3%. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ.
Tại nước Đức, doanh số bán lẻ tháng 11 giảm khá mạnh 0,6% so với tháng trước, nối tiếp đà giảm 0,3% của tháng 10 và trái với kỳ vọng tăng 0,5%. So cùng kỳ, doanh số bán lẻ tại quốc gia này tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone ở mức 6,3% trong tháng 12, không thay đổi so với thống kê tháng 11 và đồng thời khớp với dự báo.