Biến đổi khí hậu
Định giá tổn thất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu | |
Hội thảo các biện pháp bảo vệ bờ biển ở Việt Nam | |
Muốn phát triển bền vững, phải thích ứng tốt |
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,86%/năm. Tuy nhiên, do thiên tai, ô nhiễm môi trường, GDP của Việt Nam mỗi năm sẽ bị giảm 0,6%… Và với những việc nằm trong “tâm” ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), nếu Việt Nam không có những lường đoán và toan tính từ rủi ro đến các chi phí tài chính để ứng phó trong dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
BĐKH níu đà tăng trưởng
Ông Lữ Ngọc Lâm, đến từ Tổng cục Thủy Lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phác thảo bức tranh tác động của BĐKH 30 năm qua. Dù bộ cùng các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực với các chương trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH cũng chỉ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người. Thiệt hại về tài chính không thuận theo tỷ lệ này do thiên tai xuất hiện dị thường và đang có xu hướng tăng dần. Có đến 1-1,5% GDP bị cuốn trôi theo các thiên tai, cùng 300 nhân mạng mỗi năm.
Ngay trong giai đoạn 2014-2016, khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường, cướp đi sinh kế của hàng triệu người. “Thiên tai và tác động của BĐKH đang là yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhìn nhận.
Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân |
Thế nhưng nhìn lại công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, chúng ta đang thiếu cả về nguồn lực và nhân lực. Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Nguyễn Phương Anh cho biết, đến nay chưa có thống kê riêng nào về nguồn chi phí cho công tác phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH vì nó được lồng ghép trong chi thường xuyên cho bộ, ngành, trung ương và địa phương; theo phân cấp ngân sách như Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi sự nghiệp môi trường, khoa học, đào tạo. Riêng giai đoạn 2012 - 2015, có thêm kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là 1.771 tỷ đồng.
“Đối với các địa phương như Quảng Nam, Bến Tre, thành công của các mô hình, công trình ứng phó với BĐKH có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, còn các công trình không có nguồn lực hỗ trợ thì hiệu quả còn hạn chế”, bà Phương Anh cho biết. Còn ông Lữ Ngọc Lâm đến từ Tổng cục Thuỷ lợi tỏ ra lo lắng khi công tác phòng chống thiên tai còn yếu, thông tin còn kỹ trị, cơ sở nhỏ chật hẹp, thậm chí phải đi thuê, thiết bị lạc hậu. Việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống tại một số bộ, địa phương chưa sát với thực tế. Hệ thống văn bản pháp luật nhiều với hơn 270 văn bản nhưng chưa phù hợp nên chưa phát huy tối đa các nguồn lực xã hội.
Gỡ nút thắt nguồn lực
“Cụm từ tổn thất và thiệt hại thường được dùng ở Việt Nam để nói về chi phí kinh tế trong quá khứ và hiện tại, nhưng kinh nghiệm thành công trên thế giới cho thấy những nước như Việt Nam cần tính đến tổn thất và thiệt hại do tác động của BĐKH cả trong tương lai. Đợt hạn hán nghiêm trọng do El-Nino năm 2015-2016 đã cướp đi sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam và ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Nếu không có cơ chế ứng phó với những hiện tượng khí hậu bất thường trong tương lai, những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam sẽ nhanh chóng bị hủy hoại”, bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị.
Chuyên gia tài chính và chính sách khí hậu, UNDP khu vực - Glenn S. Hodes cho biết, giai đoạn sau 2015 chúng tôi đã giúp các quốc gia phát triển khả năng tăng cường hợp tác chống BĐKH, tìm cách xử lý các rủi ro toàn diện với việc giảm nhẹ trong ngắn hạn với các rủi ro đã biết. Tuy nhiên trong dài hạn các rủi ro BĐKH chưa được đề cập, quản lý và có giải pháp phù hợp. Theo đó, để nâng cao tính chống chịu với BĐKH, Việt Nam cần thu thập số liệu và phương pháp hỗ trợ quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và các giải pháp để theo dõi tổn thất và thiệt hại lâu dài, phân tích tổn thất về tài chính cũng như đưa ra các giải pháp để nâng cao quản lý rủi ro tài chính có liên quan đến khí hậu…
Quan trọng hơn, ông Glenn S. Hodes khuyến nghị Việt Nam nên xem xét việc quản lý rủi ro toàn diện và lồng ghép các giá trị kinh tế với giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.
Nút thắt lớn nhất về nguồn lực ứng phó BĐKH cũng đã được các chuyên gia quốc tế gợi mở với việc huy động khối tư nhân tham gia (bảo hiểm khí hậu, đầu tư công nghệ...). Phó giám đốc Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) Yves-Daniel Cochand khuyến nghị việc xây dựng đối tác công tư với giải pháp chuyển giao những rủi ro cấp quốc gia là một giải pháp nhằm thu hẹp khoảng trống bảo hiểm.
Các giải pháp tài chính tiếp cận của Chính phủ nên theo quan điểm “trước thiên tai” với sự sẵn có của bảo hiểm mang đến để giảm nhẹ tốt nhất các hậu quả thực tế và tài chính của các thảm họa. Điều này sẽ giúp Chính phủ chủ động ứng phó thay vì cách tiếp cận hỗ trợ “sau thiên tai” trước đây gây áp lực lên ngân sách khiến Chính phủ phải tăng thuế, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, tăng nợ cũng như phân bổ lại ngân sách, mỗi khi thiên tai ập đến.
Với những rủi ro của khu vực tư nhân như doanh thu và tài sản, cần có các chương trình bảo hiểm, tăng cường tỷ trọng bảo hiểm trên GDP để có thể hỗ trợ DN, chủ nhà, nông dân. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các tổ chức như FMls, NGOs và các DN đưa các sản phẩm hỗ trợ sinh kế đơn giản hoá đến các cá nhân - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.