Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu đầu vào sản xuất
Hành động thiết thực, nâng cao nhận thức
PepsiCo Vietnam, Tổ chức Give2Asia và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp cùng NEU và CLB Môi trường 360 vừa tổ chức Lễ phát động triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa tại trường và khu dân cư xung quanh. Đây là một trong trong chuỗi các hoạt động thực hiện tại NEU, trong khuôn khổ dự án "Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam".
Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên, cán bộ, nhân viên nhà trường và cộng đồng dân cư xung quanh về quản lý rác thải nhựa và triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trong khuôn viên trường, từ nay đến tháng 12/2022, CED sẽ hỗ trợ thực hiện các hoạt động trong phạm vi trường: Đánh giá hiện trạng thu gom, xử lý rác thải, đặt gian hàng truyền thông, triển lãm trưng bày về rác thải nhựa; Xây dựng một địa điểm tập kết rác thải nhựa để thu gom định kỳ hàng tuần và bàn giao cho bên vận chuyển để xử lý tái chế; Tổ chức hoạt động tham quan trải nghiệm tại các cơ sở xử lý rác thải nhựa, các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp cho sinh viên; Tập huấn lãnh đạo trẻ vì môi trường và nâng cao nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn định kỳ hàng năm.
Tại buổi lễ phát động, ngoài các gian hàng trưng bày các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa còn có riêng một gian hàng do các bạn lãnh đạo trẻ phụ trách hướng dẫn cho sinh viên trong trường và người dân sống xung quanh cách phân loại rác thải nhựa để thu gom và mang đi tái chế.
Ngay sau lễ phát động, Trung tâm Giáo dục và Phát triển sẽ cùng với NEU tổ chức thu gom rác thải nhựa định kỳ vào sáng thứ Bảy hàng tuần từ 8h00 đến 11h00 tại điểm tập kết trong trường. Rác thải nhựa sau khi được tập kết sẽ được chuyển đến các đơn vị xử lý riêng biệt.
Sau vài ngày lễ phát động được tổ chức, mô hình thu gom rác thải nhựa tại trường và khu dân cư xung quanh được triển khai, phần lớn sinh viên của NEU đã ý thức hơn trước rất nhiều trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon, ống hút nhựa. Không chỉ là hành động của bản thân, nhiều bạn trẻ đã tạo được hiệu ứng lan tỏa hành động sang cộng đồng khi các bạn chủ động nhặt, gom rác thải nhựa đưa về thùng rác phân loại rác.
Biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên đầu vào cho sản xuất
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm. Mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.000-7.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, nhựa và nilon chiếm khoảng 8-12%. Hệ thống thu gom, xử lý rác thải của Việt Nam hiện nay chưa đủ điều kiện để phân loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa nên hầu hết được đưa đến các khu xử lý chôn lấp.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp theo tinh thần làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.
Khung khổ pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và có yêu cầu ngày càng cao hơn về các trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải nhựa của doanh nghiệp. Chính vì vậy, để mở ra một tương lai tuần hoàn cho vật liệu nhựa, bên cạnh việc đòi hỏi sự đổi mới từ phía các doanh nghiệp, việc ý thức phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn của người dân là rất quan trọng.
Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED, công tác thu gom rác thải hiện nay đang thiếu rất nhiều, cả về phương tiện và kinh phí, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Chính vì thế, vấn đề cốt lõi là ý thức không xả rác, phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân hủy, sẽ giúp các đơn vị thu gom có nhiều lựa chọn để áp dụng các giải pháp tối ưu nhất khi xử lý.
“Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, CED cũng hợp tác với các công ty và đối tác để tiến hành các mô hình phân loại, thu gom để tái chế rác thải nhựa tại một số trường đại học, trường học. Với mạng lưới các bạn lãnh đạo trẻ trên cả nước, chúng tôi hy vọng rác thải nhựa sẽ được kiểm soát tốt hơn trong tương lai”, bà Tô Kim Liên nói và cho biết, ngoài mô hình thu gom tại NEU sẽ tiếp tục triển khai mô hình tương tự tại các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.
Dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ PepsiCo (The PepsiCo Foundation) thông qua Tổ chức Give2Asia, thực hiện đến tháng 12/2022. Trong khuôn khổ dự án, 80 lãnh đạo trẻ môi trường tại Việt Nam được tuyển chọn, tập huấn và hỗ trợ để triển khai các chiến dịch tuyên truyền về rác thải nhựa cho 15.000 thanh thiếu niên và thực hiện các mô hình thu gom rác thải nhựa trong trường học và trong cộng đồng, đặc biệt là rác thải nhựa giá trị thấp.
Bên cạnh việc truyền thông và nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, dự án cũng có các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về quản lý rác thải nhựa và những yêu cầu mới về trách nhiệm của nhà sản xuất trong luật bảo vệ môi trường mới ban hành. Dự án đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nhựa luôn được giữ trong một vòng tuần hoàn. Các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa được thiết kế có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy được và không gây ảnh hưởng đến môi trường.