Bổ sung hơn 17 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank
Agribank được vinh danh với 3 giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu năm 2022 Agribank E-Mobile Banking: Giải pháp hữu hiệu giảm tải cung ứng tiền mặt Vươn lên làm giàu nhờ "bà đỡ" ngân hàng |
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động, phối hợp với các cơ quan hữu quan bám sát diễn biến thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội để khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2024.
70% tổng dư nợ của Agribank dành cho tam nông |
Về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, các nội dung chính dự thảo gồm: chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, điều chỉnh chủ trương đầu tư Hồ chứa nước Ka Pét, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nội dung về kinh tế - xã hội, về công tác dân nguyện để xây dựng dự thảo Nghị quyết... Ngày 8/6/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các cơ quan đúng theo quy định của Nội quy Kỳ họp Quốc hội.
Nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và tham gia góp ý cụ thể về câu từ, kỹ thuật văn bản, Tổng Thư ký Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu như trong dự thảo Nghị quyết. Về một số nội dung cụ thể như: chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, các cơ quan chủ trì thẩm tra đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể tại các cuộc họp trước.
Đối với nội dung chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, hiện không còn vấn đề lớn đối với nội dung này. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 57 của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: “Quốc hội nên quyết định chủ trương đầu tư với số vốn thực nộp và thực tăng cho Agribank, không nên quyết định bổ sung số vốn quá cụ thể (17.100 tỷ đồng), khó cho Chính phủ thực hiện”.
Về ý kiến này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã giải trình (Tờ trình số 233/TTr-CP ngày 17/5/2023 và công văn số 288/CP-KTTH ngày 9/6/2023): Chính phủ nhất trí với nội dung dự kiến đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tối đa là 17.100 tỷ đồng. Tại Kỳ họp thứ 5, đa số ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đều tán thành về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Agribank, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Do đó, Chính phủ hoàn toàn có đủ cơ sở để quyết định số vốn bổ sung cụ thể trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định. Nghị quyết (dự thảo) cũng chỉ nêu chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng, không có vấn đề khó khăn cho việc thực hiện của Chính phủ. Trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Kinh tế giải trình rõ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Đối với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, qua các cuộc thảo luận tại tổ và hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng: (1) Mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, trong đó bao gồm cả các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng, rượu, bia, nước giải khát, ô tô; (2) Nâng mức giảm lên 3%, 4%, 5%; (3) Kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Về ý kiến này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã có giải trình: Theo quy định tại Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được đưa ra với phạm vi và mức độ khác với Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì phải được ban hành dưới hình thức văn bản Luật.
Trong thời điểm hiện nay, khó có thể xử lý việc này một cách phù hợp; mặt khác, hiện chưa có tính toán đầy đủ về tác động của chính sách, vì vậy, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng thu ngân sách đang được dự báo rất khó khăn, Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng như phạm vi Nghị quyết số 43/2022/QH15 để có thể bảo đảm cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Đồng thời với việc giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ sẽ xem xét khả năng sử dụng các biện pháp chính sách khác trong phạm vi thẩm quyền qua các sắc thuế trực thu và lĩnh vực tín dụng để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân một cách trực tiếp, hiệu quả hơn.
Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng như đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến 31/12/2023 để thực hiện đồng bộ với các biện pháp chính sách khác trong gói hỗ trợ của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời, giao Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2023 về kết quả và các tác động của việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, làm cơ sở xem xét các giải pháp tiếp theo sau khi kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.