Agribank E-Mobile Banking: Giải pháp hữu hiệu giảm tải cung ứng tiền mặt
Ông Lường Đình Long, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết, Agribank E-Mobile Banking được triển khai tại Agribank Chi nhánh Phù Yên từ cuối năm 2014. Thời điểm mới triển khai chỉ có 12 khách hàng đăng ký. Tuy nhiên, với hệ sinh thái tiện ích của ứng dụng Agribank E-Mobile Banking thì đến nay đã có hơn 16 nghìn khách hàng đăng ký sử dụng. Qua đó, góp phần giảm tải thời gian, chi phí đi lại cho khách hàng và cung ứng tiền mặt tại Agribank Chi nhánh Phù Yên…
Ông Long cho biết, 3 tiện ích vượt trội từ Agribank E-Mobile Banking đã giúp cho dịch vụ này hút được số lượng khách hàng tăng trưởng nhanh. Thứ nhất, dịch vụ phi tài chính gồm: Tra cứu thông tin; quản lý đầu tư; vấn tin tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng; các dịch vụ thẻ; các tiện ích phi tài chính khác. Thứ hai, dịch vụ tài chính, gồm: Chuyển khoản trong hệ thống Agribank; chuyển khoản liên ngân hàng. Thứ ba, dịch vụ thanh toán, gồm: Nạp tiền điện thoại; ví điện tử; mua thẻ điện thoại; thanh toán; dịch vụ ABMT (Account Base Money Transfer – dịch vụ chi trả kiều hối vào tài khoản tiền gửi của khách hàng mở tại Agribank qua Ebanking); đặt vé máy bay, vé xe, vé tàu, phòng khách sạn, mua vé xem phim, các dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán qua QR code…
Ngoài ra, tại Agribank chi nhánh Phù Yên có một Tổ dịch vụ chuyên phụ trách việc triển khai thực hiện ứng dụng Agribank E-Mobile Banking trên địa bàn huyện.
Chia sẻ thêm thông tin, anh Đỗ Mạnh Hoàng, Phó Trưởng phòng Kế toán Ngân quỹ, Tổ trưởng Tổ dịch vụ Agribank Phù Yên cho biết, từ cuối năm 2021, khi Agribank miễn 100% phí chuyển khoản trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, lượng khách hàng mang tiền mặt đến giao dịch tại quầy giao dịch của Agribank Phù Yên giảm đáng kể. "Nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu mang tiền mặt đến giao dịch trực tiếp tại quầy của Agribank Phù Yên thì đến cuối năm 2021, số lượng khách hàng đến nộp tiền, chuyển tiền đã giảm 50% so với năm 2020. Đến cuối năm 2022, giảm 70% so với năm 2020. Điều này cho thấy rằng, khách hàng, nhất là khách hàng ở vùng sâu, vùng xa thực hiện các giao dịch chủ yếu bằng ứng dụng Agribank E-Mobile Banking. Ứng dụng này rất tiện lợi, giúp khách hàng không phải mất thời gian, chi phí đi lại; chi phí nộp tiền, chuyển tiền", anh Hoàng dẫn chứng.
Theo anh Hoàng, địa bàn huyện Phù Yên rộng, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy, trước đây, khi chưa có ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, khách hàng phải đem theo một số lượng lớn tiền mặt di chuyển quãng đường dài đến quầy để giao dịch. Việc làm này có thể xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn như rơi tiền, cướp giật. Ngoài ra, lượng khách hàng đến quầy giao dịch đông nên phải mất thời gian chờ đợi lâu, chưa kể khi thực hiện giao dịch phải tiến hành kê tiền. Nhiều khi, khách hàng còn chuyển nhầm, sai số tài khoản, phải thực hiện lại giao dịch nên rất mất thời gian, kéo dài thời gian giao dịch.
Mặt khác, khi lượng tiền mặt nhiều sẽ dẫn đến việc vượt số tiền mặt quy định ở Agribank chi nhánh các huyện nên Agribank Phù Yên lại phải mất công mang lên Agribank Sơn La để nộp. Để vận chuyển, Chi nhánh phải cắt cử cán bộ, thuê lực lượng công an đi cùng, mất thời gian, chi phí đi lại. Với giải pháp này giúp ngân hàng tiết giảm chi phí khá nhiều. Nếu như năm 2019, Agribank Chi nhánh Phù Yên phải mất 85 lần vận chuyển tiền mặt từ Phù Yên lên thành phố Sơn La để nộp, thì đến hết năm 2022, chỉ mất 58 lần vận chuyển, giảm 27 lần.
Trong thời gian tới, Tổ dịch vụ của Agribank Chi nhánh Phù Yên sẽ tiếp tục phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking. Từ đó, giảm tải thời gian khách hàng đến giao dịch, giảm số lượng tiền mặt tiêu thụ trên địa bàn, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm hiện đại, tiết kiệm thời gian giao dịch nhất.