Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình về những thách thức và định hướng phát triển giáo dục
Theo Bộ trưởng, gần hai phần ba ý kiến của các đại biểu tại phiên họp đều xoay quanh vấn đề giáo dục, từ chất lượng đào tạo đến phát triển nguồn nhân lực, trải rộng từ bậc tiểu học đến giáo dục sau đại học. Ông cho rằng, các ý kiến này không chỉ mang tính phản ánh mà còn có tính định hướng, gợi ý những giải pháp cụ thể, thực tiễn, phù hợp với bối cảnh hiện tại của ngành giáo dục.
Sức khỏe và an toàn của học sinh được ưu tiên hàng đầu
Vấn đề sức khỏe và an toàn của học sinh đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các đại biểu. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những lo lắng liên quan đến các hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trong môi trường học đường như: bạo lực học đường, việc học sinh sử dụng thuốc lá, tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện; và các áp lực lớn khi học sinh thi vào lớp 10. Những thách thức này không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn đòi hỏi sự hợp tác của cả cộng đồng và gia đình để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ hợp tác với các ban, ngành liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cũng như thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và các vấn đề sức khỏe tinh thần. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho học sinh trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10, để học sinh có thể phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh và toàn diện.
Hoá giải điểm nghẽn tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và nghề nghiệp
Về những vấn đề liên quan đến các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp nhận được sự quan tâm sâu sắc từ đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Theo Bộ trưởng, các trung tâm này có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy phát triển giáo dục cho người trưởng thành. Tuy nhiên, hiện tại có sự đa dạng trong mô hình quản lý của các trung tâm này, gây ra nhiều khó khăn trong việc thống nhất quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay, trong số 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, còn lại 526 trung tâm đang chịu sự quản lý từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hoặc từ Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. Bộ trưởng cho biết, các văn bản quản lý hiện hành như Thông tư liên bộ số 39 ban hành năm 2010 và Thông tư số 01 ban hành năm 2019 của Bộ Giáo dục Đào tạo đều đã đưa ra cơ sở pháp lý, song vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế áp dụng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hợp tác cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến Thông tư 39; Đồng thời, Bộ cũng đề xuất sửa đổi Nghị định 127 để xem xét việc đưa các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp về chung một đầu mối quản lý. Vào cuối tháng 11/2024, Bộ dự kiến tổ chức một hội nghị toàn quốc cho tất cả các giám đốc trung tâm để thảo luận, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quản lý và hoạt động của các trung tâm này.
Định hướng lại chính sách phân luồng học sinh và hướng nghiệp
Một trong những thách thức lớn của ngành giáo dục hiện nay là việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bộ trưởng cho biết, hiện nay chỉ tiêu phân luồng đang tạo ra áp lực cho học sinh và gia đình. Theo Quyết định số 225/2018, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là 70/30 và sau trung học phổ thông là 60/40. Chỉ tiêu này đã được các địa phương lấy làm cơ sở để xây dựng hệ thống trường công lập. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhu cầu học trung học phổ thông của học sinh cao hơn so với khả năng đáp ứng của hệ thống trường, lớp hiện tại, gây ra nhiều căng thẳng trong quá trình lựa chọn.
Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc cần đánh giá lại tính phù hợp của chỉ tiêu phân luồng này và tính toán tỷ lệ phân luồng một cách linh hoạt hơn để đáp ứng thực tế nhu cầu học tập và thị trường lao động. Ngoài ra, các trung tâm giáo dục thường xuyên đang phải gánh vác nhiệm vụ tương tự như các trường trung học phổ thông, nhưng lại chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách hỗ trợ về hạ tầng và nguồn lực cho các trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo phù hợp cho thị trường lao động
Việt Nam đang đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi và công nghệ mũi nhọn. Theo số liệu thống kê của UNESCO, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đã tăng từ 5,2% lên 9,2%, gần tiệm cận với mức trung bình của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi từ 18-22 vẫn chỉ đạt khoảng 27,9% đến 30%, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cần xem xét việc chuyển đổi từ mô hình giáo dục nghề nghiệp theo hình tháp truyền thống (với phần lớn học sinh học nghề ở bậc sơ cấp) sang mô hình đào tạo tiệm cận với trình độ đại học làm chuẩn. Quan niệm về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng cần được nhìn nhận lại nhằm phát triển nhân lực chất lượng cao, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thầy và thợ trong các ngành công nghệ cao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các lĩnh vực mà Việt Nam chưa có là một thách thức lớn. Bộ trưởng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch chủ động trong việc đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp FDI trong tương lai, từ đó đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ tiên tiến.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã giải trình trước Quốc hội về việc phát hành sách giáo khoa và các lợi ích nhóm - một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ông cho biết, trong vài năm gần đây, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp chấn chỉnh để ngăn chặn các lợi ích nhóm trong quá trình in ấn và phát hành sách. Một số cá nhân liên quan đã bị xử lý; và hiện tại, nếu có bất kỳ cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào vi phạm, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.