BoJ sẽ duy trì siêu chính sách nới lỏng
Hiện BoJ đang duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1% và lợi suất trái phiếu 10 năm quanh mức 0% và tối đa là 0,25% với mục tiêu hỗ trợ đà phục hồi mong manh của kinh tế Nhật.
Trong khi đó Fed được dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện lần tăng lãi suất 75 điểm thứ ba liên tiếp tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20-21/9 này. Không chỉ Fed, nhiều NHTW khác dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát cũng như bảo vệ đồng nội tệ trước sự tăng giá của đồng USD.
Tất cả những điều đó đang khiến sự phân kỳ chính sách giữa BoJ với các NHTW khác, nhất là Fed ngày một doãng rộng. Hệ quả là đồng yên Nhật rớt giá mạnh, đặc biệt so với đồng USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, đồng yên Nhật đã giảm giá gần 25% so với đồng USD.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda |
Thời gian gần đây các nhà chức trách ở Nhật đã phải lên tiếng cảnh báo về sự biến động của đồng yên sau khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật thậm chí còn chỉ ra việc can thiệp trực tiếp cũng là một trong những lựa chọn và nếu cần thiết, giải pháp này có thể được thực hiện không cần cảnh báo trước.
Tuy nhiên, BoJ được dự báo vẫn kiên định với mục tiêu chính sách của mình. Mặc dù Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã từng phát biểu, sự suy yếu nhanh chóng của đồng yên là điều không mong muốn; tuy nhiên Bloomberg dẫn lời những nguồn tin quen thuộc cho biết, ngay cả sau khi đồng yên đạt mức 144,99 JPY/USD vào đầu tháng này, BoJ vẫn tiếp tục giữ quan điểm, đồng yên yếu là yếu tố tích cực cho nền kinh tế nói chung nếu nó ổn định.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, ngay cả khi BoJ cố gắng điều chỉnh chính sách để hỗ trợ đồng yên thì phần lớn điều đó sẽ vô ích. Ông cho biết vào tháng 7, các đợt tăng lãi suất mạnh là cần thiết để ngăn chặn đà trượt giá của đồng yên, nhưng điều đó sẽ dẫn đến phá vỡ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Việc tăng lãi suất để bình thường hóa chính sách chỉ có thể thực hiện khi lạm phát bền vững và vì vậy Nhật Bản cần thúc đẩy tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lập trường của BoJ đi kèm với việc lạm phát ngày càng tăng. Theo đó lạm phát lõi tại Nhật đã tăng lên mức 2,8% trong tháng 8, mức cao nhất trong gần 8 năm và là tháng thứ 5 liên tiếp vượt quá mục tiêu 2% của BoJ.
Bên cạnh đó việc duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ cao nhất 0,25% của BoJ cũng đang gặp nhiều thách thức khi mà đợt bán tháo trái phiếu toàn cầu đã đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm lên mức giới hạn trên lần đầu tiên vào tuần trước. Hệ quả là BoJ đã phải chi 1,4 nghìn tỷ yên (9,8 tỷ USD) để mua trái phiếu nhằm bảo vệ lợi suất.
Hideo Hayakawa - Cựu giám đốc điều hành BoJ nói với Bloomberg rằng, BoJ nên điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình vì việc đó đang khiến đồng yên suy yếu rất nhiều.
Tuy nhiên các quan chức BoJ đã nói rằng việc nâng trần lợi suất sẽ tương đương với việc tăng lãi suất, bởi vậy về cơ bản họ vẫn loại trừ nó như một lựa chọn cho đến khi đạt được lạm phát bền vững.
Nếu có thay đổi, theo các nhà phân tích, một sự điều chỉnh đối với hướng dẫn về lãi suất trong tương lai sẽ là một lựa chọn dễ dàng hơn. BoJ hiện kỳ vọng lãi suất sẽ ở “mức hiện tại hoặc thấp hơn”.
Đó chính là lý do mà các nhà kinh tế đang theo dõi hướng dẫn của BoJ trong tuần này vì gần 80% trong số họ mong đợi BoJ sẽ kết thúc phần còn lại của chương trình tài trợ Covid đặc biệt của mình như đã định.
BoJ hiện đang liên kết một phần của hướng dẫn về chính sách với đại dịch, vì vậy việc kết thúc chương trình cho thấy có thể có một sự thay đổi về hướng dẫn. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, cụm từ quan trọng về lãi suất vẫn không thay đổi, có nghĩa vẫn sẽ ủng hộ lãi suất thấp hoặc thấp hơn.
“Định hướng nới lỏng đó sẽ không thay đổi”, Naomi Muguruma - Chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo cho biết.
Tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với những sự thay đổi. Tuần trước, BoJ được cho là đã tiến hành “hỏi về các xu hướng trên thị trường ngoại hối”, động thái được nhiều người coi là chuẩn bị cho sự can thiệp chính thức để bảo vệ đồng yên.
“Đồng yên có thể vi phạm ngưỡng 145 (JPY/USD), nhưng việc đặt cược vào bán đồng tiền này có thể giống như chơi với lửa”, Kyohei Morita - nhà kinh tế trưởng tại Nomura Securities cho biết. “Điều khác biệt lần này là các nhà giao dịch sẽ phải cân nhắc lập trường nới lỏng không thay đổi của Kuroda trước những cảnh báo mạnh mẽ của các quan chức Nhật Bản”.