Cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp
Thay đổi tư duy sản xuất
Đăk Nông có trên 380.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên của địa phương. Đây được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi, tiềm năng trong phát triển nông nghiệp với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, có lợi thế về xây dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa với với địa phương lân cận. Đặc biệt là có kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh phía Nam.
Theo UBND tỉnh Đăk Nông, năm 2021, giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của địa phương tăng 2.681,4 tỷ so với năm 2018. Đến nay, Đăk Nông định hình phát triển 23 sản phẩm chủ lực, đã công nhận 52 sản phẩm OCOP; 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.432ha. Trên địa bàn đang hình thành một số vùng trồng cây ăn trái tập trung như sầu riêng ở TP. Gia Nghĩa, Đăk Mil; cây có múi ở Đăk Glong, Đăk Song, TP. Gia Nghĩa; vùng xoài ở Đăk Mil; chanh dây ở các huyện Đăk R’lấp, Đăk Glong, TP. Gia Nghĩa; bơ ở Tuy Đức, Krông Nô, Đăk Song, Đăk Mil…
Tập trung hình thành các mô hình liên kết người nông dân, tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất với doanh nghiệp |
Người dân đang có những thay đổi lớn trong tư duy phát triển cây ăn trái. Phần lớn bà con nông dân sản xuất sản phẩm an toàn, đạt các chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... Nhiều sản phẩm trái cây của nông dân có truy xuất nguồn gốc, đồng đều về mẫu mã và được liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra. Một số trang trại trồng cây ăn trái quy mô lớn như Gia Trung, Gia Ân, Thu Thủy... đã sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Có thể nói, nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Đăk Nông.
Để phát huy lợi thế, tiềm năng đối với việc phát triển ngành nông nghiệp, năm 2018, HĐND tỉnh Đăk Nông ban hành Nghị quyết 12 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Sau khi nghị quyết được triển khai, đến nay Đăk Nông gặt hái được những kết quả khả quan đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử, từ một địa phương sản xuất nông nghiệp theo truyền thống, manh mún, lạc hậu, sau khi triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Đăk Nông, đến nay huyện Đăk R’lấp hình thành được nhiều vùng sản xuất với quy mô lớn, được áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện Đăk R’lấp đã phát triển được hơn 36.000ha cây lâu năm. Trong đó, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái.
Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, chính quyền địa phương còn kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản. Đến nay, Đăk R’lấp có 10 nhà máy, hợp tác xã chế biến nông sản được đầu tư, xây dựng khá bài bản. Trong đó, xã Đạo Nghĩa có nhà máy chế biến hoa quả A Chính; xã Nhân Cơ có nhà máy Toàn Hằng. Một số nhà máy ở các xã Quảng Tín, Đăk Ru, Hưng Bình... có quy mô, dây chuyền sản xuất ổn định…
Hay như tại huyện Đăk Song, là vùng trồng hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đăk Nông. Hiện có 6 doanh nghiệp liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững. Đến nay đã xây dựng được 309ha hồ tiêu đạt Chứng nhận hữu cơ và VietGAP; 1.204ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforest - tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững.
Theo ngành Nông nghiệp huyện Đăk Song, hiện địa phương có khoảng 41.000ha cây dài ngày. Trong đó, có trên 14.000ha hồ tiêu. Đăk Song đã xây dựng được 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Hà với 416,4ha và Thuận Hạnh với 1.133ha.
Hiện Đăk Song là địa phương đầu tiên của cả nước đang xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu kết hợp cảnh quan quy mô lớn theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù, gặt hái được những kết quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song qua 3 năm triển khai, nhiều mục tiêu của nghị quyết trên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo Nghị quyết 12, Đăk Nông đặt ra mục tiêu đến năm 2020, hình thành được 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, đến năm 2021, Đăk Nông mới công nhận được 4 vùng gồm 2 vùng hồ tiêu tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh thuộc huyện Đăk Song; 1 vùng trồng lúa tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô; 1 vùng trồng cà phê tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil. Cùng đó, có ít nhất 3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng không đạt. Đến nay, địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao.
Theo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Nông, có khoảng 80% đề tài khoa học là nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song đa phần các đề tài chưa được áp dụng, nhân rộng ra thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng thực tế vẫn là do thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế, hạ tầng cơ sở còn yếu kém…
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ. Chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao được triển khai, nhưng chưa được nhân rộng trong sản xuất.
Ngành Nông nghiệp Đăk Nông đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển, liên kết, thu hút đầu tư. Riêng về quy hoạch vùng nguyên liệu, Đăk Nông đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất nông nghiệp vẫn đang ở dạng thử nghiệm, chưa thực sự mang tính bền vững…
Theo các chuyên gia, để ngành nông nghiệp phát triển ổn định, lâu dài, ngoài việc giải quyết dứt điểm những “bài toán” mà ngành Nông nghiệp Đăk Nông đang đối mặt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị, hỗ trợ và công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP để phát huy lợi thế cạnh tranh, sản phẩm đặc sản, thu hút, khuyến khích hình thành các mô hình liên kết người nông dân, tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất với doanh nghiệp ở các khâu hình thành sản phẩm nông nghiệp...