Cần giữ chính sách tiền tệ ổn định
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng | |
Thực hiện nhiệm vụ lớn, yêu cầu cao để hoàn thành mục tiêu của ngành Ngân hàng | |
Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô |
Trong bối cảnh nhiều NHTW phải nâng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát và trong nước áp lực lạm phát cũng gia tăng, một số tổ chức tài chính, quỹ nước ngoài dự báo trong thời gian tới NHNN Việt Nam có thể sẽ phải tăng lãi suất điều hành (đặc biệt vào thời điểm quý IV/2022). Câu hỏi đặt ra là tại sao trước nhiều sức ép như vậy NHNN chưa nâng lãi suất điều hành và thông điệp đưa ra vẫn là điều hành lãi suất ổn định?
Lạm phát do chi phí đẩy, chính sách lãi suất khó phát huy tác dụng
Một báo cáo gần đây của Quỹ Dragon Capital dự báo, nếu Fed tiếp tục tăng 0,75% và 0,5% lãi suất trong hai kỳ họp chính sách tới, Việt Nam cũng có thể phải tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) vào quý IV năm nay.
Trong khi đó, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, rủi ro lạm phát gia tăng sẽ đặt ra áp lực cần phải thắt chặt tiền tệ.
“Dựa trên những dự báo của chúng tôi, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN. Chúng tôi tin rằng thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng. Chúng tôi giữ quan điểm về việc NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 (hiệu lực từ quý IV/2022) và dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ bản mỗi quý, kể từ quý IV/2022 cho đến quý III/2023. Theo đó, lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,5% vào cuối quý III/2023”, ông Khoa dự đoán.
NHNN có những căn cứ, cơ sở để giữ lãi suất ổn định. |
Báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 6/2022 của Công ty Chứng khoán VnDirect cũng đưa ra nhận định, với việc Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Trong đó đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 nhưng mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, trong khoảng 0,25-0,5%.
Tiếp đó trong báo cáo cập nhật tháng 7/2022, tổ chức này tiếp tục nhận định NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
“Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III/2022 hoặc quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn sẽ đạt 5,0% vào năm 2023 (tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và tăng 100 điểm cơ bản so với mức hiện tại)”, báo cáo nêu.
Trong khi đó, nhiều tổ chức và chuyên gia khuyến nghị cần giữ lãi suất, tỷ giá ổn định trong năm nay để hỗ trợ DN, nền kinh tế phục hồi và khẳng định NHNN có những căn cứ, cơ sở để giữ lãi suất ổn định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, lạm phát hiện nay là lạm phát do chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ hay các nước châu Âu. Và với loại hình lạm phát này, một đặc điểm “khó chịu” là rất khó phát huy vai trò của chính sách lãi suất, dù theo hướng nới lỏng hay thắt chặt.
“Ví dụ, nếu nới lỏng, giảm lãi suất xuống thì khiến lạm phát vẫn tăng lên vì tỷ giá tăng lên, cộng với giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao kích hoạt lạm phát. Ngược lại, giả định NHNN thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất lên thì toàn bộ hoạt động đầu tư của DN sẽ bị đình lại, nguồn cung suy giảm và lạm phát tiếp tục tăng lên”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói và cho rằng: “Vì vậy, việc NHNN tăng lãi suất như các NHTW khác trên thế giới đang làm là điều không cần thiết”.
Ổn định, linh hoạt là từ khóa
Cùng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát đến từ rất nhiều yếu tố phi tiền tệ thì chính sách tiền tệ sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra những điểm cần lưu ý trong điều hành lãi suất. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm riêng biệt với kinh tế thế giới, đặc biệt là trong ba năm trở lại đây khi đại dịch Covid hoành hành (và các dữ liệu về tăng trưởng kinh tế cho thấy rất rõ những khác biệt này). Chính những khác biệt đó khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất “đồng điệu” như trên thế giới.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, mức độ mất giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn và cần tiếp tục giữ ổn định tỷ giá. Hơn thế nữa, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết đặt ra. Cuối cùng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà chúng ta đang thực hiện đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng.
Đây cũng là yếu tố được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh: “Chủ trương chung của chúng ta trong năm nay là thúc đẩy kinh tế phục hồi. Chương trình phục hồi đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, thậm chí phấn đấu giảm nhẹ và có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nên nếu như chúng ta tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với Chương trình này”.
Cùng với đó TS. Cấn Văn Lực chỉ ra, việc tăng lãi suất điều hành chỉ mang lại tác dụng khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Trong khi đó thực tế 6 tháng vừa qua cho thấy, cung tiền M2 chỉ tăng ở mức vừa phải 3,51% (là mức thấp so với cùng kỳ năm 2021); vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần); lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,25%.
“Vậy nên, giả sử NHNN tăng lãi suất điều hành cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, lãi suất điều hành là lãi suất tín hiệu nên khi tăng nhiều khả năng sau đó các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất trên thị trường”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong khi đó theo bà Michele Wee - Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, các áp lực lạm phát đến từ phía nguồn cung, việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát… sẽ gây ra các khó khăn nhận định cho một nền kinh tế mở như Việt Nam.
“Đây là những vấn đề cần phải theo dõi sát. Tuy nhiên năm nay, tôi cho rằng ưu tiên và tập trung của Chính phủ vẫn là phục hồi các hoạt động kinh tế và giữ lãi suất ổn định như hiện nay để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch”, CEO Standard Chartered Việt Nam nói.