Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Sáng 15/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Có thể thấy một bức tranh khá tích cực khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trong khu vực, đi đôi với đó là lạm phát thấp so với lạm phát trên thế giới.
Đồng thời, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tăng nhẹ trong bối cảnh lãi suất các nước tăng cao, tỷ giá cũng được kiểm soát ổn định trong khi đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực và thế giới mất giá…
Trong 6 tháng, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, như tổng kết, đánh giá, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành kế hoạch tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2022-2026; trình các cấp có thẩm quyền chủ trương Đề án tái cơ cấu ngân yếu kém; triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng chỉ ra những thách thức với ngành Ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, đó là thị trường thế giới biến động khó lường, các nền kinh tế lớn như các nước Châu Âu, Mỹ lạm phát tới gần 10% trong khi mục tiêu là 1-2%; Fed liên tiếp tăng lãi suất; chỉ số đô la mỹ tăng cao…
Toàn cảnh Hội nghị |
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Ngân hàng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn như triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó đặt ra nhiều nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn.
Đơn cử như phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nước ta lại là nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu… Đặc biệt, việc triển khai gói cấp bù lãi suất với lượng tiền lớn khi lạm phát đang tăng cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành Ngân hàng. Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tới đây sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, Thống đốc nhấn mạnh.