Cần phát triển nông nghiệp bền vững
Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch nông thôn Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững |
Tăng năng suất và giá trị cho nông nghiệp
Thực tế, công tác đầu tư cho nông nghiệp bền vững đã được triển khai và đang ghi nhận nhiều hiệu quả đáng khích lệ. Trong vụ lúa đông xuân 2023-2024, hai xã Vị Trung và Vị Bình của huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) đã áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh trên diện tích khoảng 10 ha. Nhờ thế, chi phí đầu tư giảm so với sản xuất đại trà từ 19,2 - 22 triệu đồng/ha xuống 1,5 - 2,8 triệu đồng/ha. Lợi nhuận nông dân thu được tại xã Vị Trung là gần 65 triệu đồng/ha, còn xã Vị Bình đạt gần 52 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5 đến 4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Đặc biệt, chỉ số phân tích về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đạt ngưỡng an toàn, bảo đảm phục vụ xuất khẩu.
Phát triển nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, doanh nghiệp đang áp dụng mô hình tôm - lúa thuận thiên. Theo đó, chu trình luân chuyển qua 2 mùa nước, 2 môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu nên gần gũi với môi trường. Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với trước, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án từ 10-40% so với các địa điểm thông thường khác.
Ngoài ra, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Tân Long chia sẻ, doanh nghiệp theo đuổi kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững còn có thể nhận được sự hỗ trợ rất lớn khi kêu gọi các nguồn tài chính xanh. Nhờ thực hành tiêu chí xanh, bền vững, năm 2023, doanh nghiệp đã nhận được nguồn tài trợ tới 900 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Đây là vốn dài hạn, lãi suất tốt, lại thu hút được thêm các nhà đầu tư khác quan tâm đến doanh nghiệp.
Phá "rào cản" về tài chính và công nghệ
Tuy nhiên, một chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ của nông dân còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp bền vững còn chậm; quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất bền vững. Người nông dân hiện vẫn còn những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất như sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, trong xử lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm…
Do đó, muốn làm mô hình nông nghiệp bền vững trước hết cần thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh; tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất; tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cần tạo đột phá mới bằng hệ thống chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững đồng bộ; phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường…
Cùng với đó, theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), chính sách tài chính là một trong những công cụ rất hữu hiệu, có vai trò định hướng và điều tiết sự phát triển của nông nghiệp bền vững phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn. Trong đó, chính sách thuế tác động đến mối quan hệ cung - cầu các mặt hàng nông nghiệp sạch; góp phần thúc đẩy tích tụ đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; khuyến khích việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy cần hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp bền vững, bổ sung ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số đối tượng nhằm thu hút nguồn lực tri thức và tài chính của cá nhân tham gia vào quá trình phát triển nông nghiệp bền vững...