Cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá
Chiều nay (23/5) Quốc hội tiếp tục họp tại Hội trường thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Cần giải trình, làm rõ những vấn đề về Sách giáo khoa
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) |
Quan tâm đến vấn đề giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) cho biết, trước đây khi trao đổi về giá sách giáo khoa đã nêu lên một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn.
Do đó, đại biểu hoan nghênh Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Đại biểu ghi nhận qua theo dõi thực tế cho thấy về cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Tuy nhiên khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn lại các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương. Đại biểu đề nghị cần giải trình, làm rõ những vấn đề đã nêu trên.
Nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) |
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, quy định về thẻ thẩm định viên về giá như dự thảo Luật còn chung chung, quy định như vậy thì tất cả những người có bằng đại học đều có thể tham dự kì thi và trở thành thẩm định viên về giá là chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị nên quy định cụ thể về bằng đại học một chuyên ngành cụ thể nào đó liên quan đến thẩm định giá sẽ có tính khả thi hơn. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này, hoặc có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để đúng ngành.
Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luật bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện. Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá. Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, loại hàng hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Bên cạnh đó, tại Phụ lục số 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị bỏ Mục 40 dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa. Đồng thời đề nghị không đưa dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo Đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.
Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.
Cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá. Quy định cụ thể trong luật để hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước; khi cần thiết trình Ủy ban Thường vụ quyết định thay đổi danh mục này. Đối với mặt hàng điện, đại biểu đề nghị đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.
Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng giao cho doanh nghiệp quản lý Quỹ là không phù hợp, cần giao Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Về định giá, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ giá sàn nhưng cần thiết duy trì giá trần, để người dân được hưởng giá không quá cao. Đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý giá, định giá để ổn định giá cả các mặt hàng.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì đề nghị cân nhắc việc sửa đổi liên quan đến nội dung công khai thông tin về giá. Đại biểu cho rằng nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.
Với quy định nêu trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá…
Phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cho biết, các vấn đề cốt lõi được nêu ra tại các phiên họp trước đã được tiếp thu tương đối đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm |
Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá sàn hàng không nội địa. Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.
Về chi phí cho dịch vụ thẩm định giá, hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ trưởng cho rằng cần để chi phí theo quy luật thị trường. Về việc công khai thông tin về giá, niêm yết giá, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật.
Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xác định rằng việc duy trì Quỹ này là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.