Cần sớm hóa giải áp lực dân số già
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định, bắt đầu từ năm 2036 Việt Nam chính thức khép lại thời kỳ dân số vàng để bước vào giai đoạn dân số già và các tính toán cho rằng thời kỳ dân số già của nước ta sẽ kéo dài trong 19 năm.
Thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) cũng cho thấy, nước ta là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu năm 2009 Việt Nam có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi thì đến năm 2019 tăng lên 11,4 triệu, đến 2021 con số này là 12,58 triệu người. TS. Trịnh Thị Thu Nga, Phó Viện trưởng ILSSA cho biết, già hóa dân số đặt ra những thách thức cho nền kinh tế do thiếu hụt lao động. 5 năm gần đây mỗi năm chúng ta chỉ được bổ sung khoảng 400.000 lao động thị trường, trong khi giai đoạn trước đó mỗi năm có 1 triệu lao động được bổ sung. Dân số già không chỉ làm sức lao động sụt giảm mà còn gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình.
Xây dựng kế hoạch dự phòng tài chính cho tương lai để tuổi già an nhàn và tự chủ |
Trong khi đó, một khảo sát do ILSSA và Prudential Việt Nam mới thực hiện cho thấy, an ninh thu nhập của người cao tuổi ở Việt Nam ở mức rất thấp. Trong đó, 23% người cao tuổi được hưởng chế độ hưu trí do tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong giai đoạn trước còn thấp; 13% người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội theo chính sách của nhà nước. Chỉ có 10,4% người cao tuổi có khoản tiết kiệm cho tuổi già; một bộ phận lớn người cao tuổi (32,4%) vẫn phải bươn trải hàng ngày để có thu nhập trang trải cho cuộc sống; và 38,5% người cao tuổi đang nhận hỗ trợ từ con cái và thân nhân…
Phân tích thực trạng tài chính của các hộ gia đình nông thôn, ông Giang Thành Long, Viện nghiên cứu Y học - Xã hội học cho biết, tỷ lệ các gia đình ở khu vực này có khoản nợ phải trả nhiều hơn ở khu vực đô thị, trong khi đó họ lại không tham gia BHXH và bảo hiểm nhân thọ do tiềm lực tài chính yếu, nên khó lại càng thêm khó. Tại Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột là BHXH; bảo hiểm y tế (BHYT); bảo hiểm thất nghiệp; cứu trợ xã hội; trợ giúp và ưu đãi xã hội. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ người dân tham gia BHXH chưa như kỳ vọng. Theo tính toán, đến năm 2030, nếu không mở rộng bao phủ BHXH, có 12 triệu người cao tuổi không lương hưu, trở thành gánh nặng với hệ thống an sinh.
Áp lực già hóa dân số đặt chúng ta trước bài toán phải nâng cao khả năng quản trị, từ doanh nghiệp đến quản trị quốc gia; và phải đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết kiệm nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng phải chuẩn bị chính sách giải quyết BHXH và BHYT cho người lao động thế hệ Millennials (sinh năm từ 1981-1995) để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập tài chính khi về già. Vì chỉ còn 14 năm nữa Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, Việt Nam có đến 90% người dân có BHYT, 10% trong số còn lại đó hiện nay đang thực hiện chăm sóc sức khỏe bằng nguồn tiền cá nhân có được qua tích lũy, tiết kiệm… Theo ông Lợi, phải thay đổi thói quen của người lao động hiểu được quyền lợi bảo hiểm phải đi đôi với trách nhiệm đóng góp của bản thân. Nhà nước thực hiện an sinh xã hội thông qua điều phối nguồn lực chung, có những nhóm đối tượng cần trợ giúp thường xuyên; hay những vùng, miền cần trợ giúp đột xuất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Để thu hút người dân tham gia BHXH nhiều hơn cần phải tạo ra chính sách để thị trường phát triển BHXH đa tầng, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung do người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động cùng đóng góp (BHXH loại này đến nay vẫn chưa làm tốt). Từ đó, kết nối các loại BHXH lại với nhau để hình thành một hệ thống an sinh xã hội.
"Tôi mong muốn Việt Nam sớm có một mức sàn an sinh xã hội để phát hiện và tham gia hỗ trợ cho người dân để không ai bị bỏ lại phía sau", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói và cho biết Luật BHXH sửa đổi sẽ cho phép người lao động rút ngắn thời gian đóng BHXH và cơ chế mới cũng rất linh hoạt cho người lao động tham gia bảo hiểm.
Năm 2018, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu, thiết kế lại mức hưởng và tỷ lệ hưởng để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giúp họ có được khoản tiền lúc về già. Dự thảo luật đồng thời bổ sung đóng BHXH bắt buộc với nhóm có điều kiện, khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; lao động làm việc không trọn thời gian; tăng mức hỗ trợ đóng, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Dự thảo cũng bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng gồm: tầng trợ cấp hưu trí xã hội (đang được quy định ở Luật Người cao tuổi), BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung. Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. |