Cần tạo sức mạnh cộng hưởng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Chính sách hỗ trợ chưa từng có
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy trong năm 2020, có đến 93,9% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Trong đó, có đến 34% doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực; 59,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực...
Trong thời điểm khó khăn nhất, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP. Trong đó, các giải pháp hỗ trợ chi phí cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của ngành Ngân hàng được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao.
Điểm lại một số giải pháp tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Cụ thể, ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ; sau đó là ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3.
Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32 nghìn tỷ đồng; có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/ 2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.
Riêng thời gian thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp giảm được gần 13 nghìn tỷ đồng, chưa kể 4 nghìn tỷ đồng là 4 ngân hàng đã cam kết sẽ tiếp tục giảm trong đợt dịch lần thứ 4, giảm phí cho các doanh nghiệp đạt gần 2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện gói vay ưu đãi 0% và đóng góp khoảng 1 nghìn tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19.
Không chỉ vậy, ngành Thuế cũng góp sức không nhỏ trong quá trình hỗ trợ chi phí doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết với tư tưởng “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp gánh nặng của doanh nghiệp giảm dần.
Đến nay, Luật Quản lý thuế đã cho phép giãn thời gian nộp thuế đối với doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ đồng trở xuống; hỗ trợ cho doanh nghiệp với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực khi thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp tiền thuê đất; thực hiện Nghị định số 44/2020 về hướng dẫn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho công tác phòng chống dịch bằng hiện vật hay tiền mặt, nhờ đó tiền thuế của doanh nghiệp được trừ ra và sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp phải bỏ tiền túi...
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính cũng góp phần giúp doanh nghiệp giảm được chi phí. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, một số chính sách có điểm sáng là Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung 10 luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ
Tuy nhiên nhìn lại năm qua, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình: Nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…); và nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành).
Để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
Đồng thời, sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách..., Tổng Thư ký VCCI nói.
Cùng chung đề xuất này, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng cần có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả; phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện....
Dưới góc nhìn về tài chính - tiền tệ, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, cần có chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp như Chính phủ tăng vay tiền ngân hàng trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng là các doanh nghiệp, do đó mong các doanh nghiệp cùng đồng hành chia sẻ khó khăn lẫn nhau.
Nhìn từ kinh nghiệm của quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết việc triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách. Cùng với đó, ở phía doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với tăng trưởng xanh, bao trùm, đổi mới sáng tạo.