Cảnh báo về một “kịch bản tồi tệ” nếu Mỹ vỡ nợ
Các CEO của Mỹ vừa gửi đi một cảnh báo mạnh mẽ tới các nhà lập pháp của nước này rằng, kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với “sự tàn phá tiềm tàng” nếu Quốc hội và Nhà Trắng không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ và tránh vỡ nợ.
Chậm trễ sẽ khiến thiệt hại nghiêm trọng
Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội vừa rồi, gần 150 CEO các tập đoàn lớn của Mỹ đã kêu gọi hai bên cần hành động khẩn trương, hoặc sẽ phải đối mặt với “một kịch bản tàn khốc… và những hậu quả tai hại có thể xảy ra”.
Giám đốc điều hành của các tập đoàn và tổ chức tài chính lớn đã ký vào bức thư ngỏ này. Trong số những người ký tên có James P. Gorman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Morgan Stanley; David M. Solomon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Goldman Sachs; Adena Friedman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nasdaq và Robin Hayes, Giám đốc điều hành của JetBlue. Đó là một trong những lời cảnh báo tập thể mạnh mẽ nhất từ các tập đoàn của Mỹ.
“Việc không giải quyết được tình trạng bế tắc hiện tại có thể dễ dàng gây ra những hậu quả tiêu cực hơn. Mặc dù nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn mạnh, nhưng lạm phát cao đã tạo ra những căng thẳng trong hệ thống tài chính, bao gồm cả một số vụ phá sản ngân hàng gần đây. Điều tồi tệ hơn nhiều sẽ xảy ra nếu quốc gia không trả được các nghĩa vụ nợ, sẽ làm suy yếu vị thế của chúng ta trong hệ thống tài chính thế giới”, bức thư viết.
Mỹ đang nỗ lực tháo gỡ trần nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ gây tác động tiêu cực |
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết, Mỹ có thể rơi vào vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 tới nếu các nhà lập pháp không tăng số tiền mà Mỹ có thể vay để trả các khoản nợ của mình. Việc không trả được nợ có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và thị trường chứng khoán có thể lao dốc. Tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia có thể tăng đột biến và chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp và người Mỹ hàng ngày sẽ tăng lên.
Trong bức thư tiếp sau gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội, bà Janet Yellen đã tái khẳng định lời cảnh báo của mình, cho rằng Mỹ đã cảm nhận được những tác động của việc tiến gần đến “ngày X” – tức ngày 1/6. “Chúng ta đã học được từ những bế tắc về giới hạn nợ trong quá khứ rằng việc chờ đợi đến phút cuối cùng để treo hoặc tăng giới hạn nợ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tăng chi phí vay ngắn hạn cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Trên thực tế, chúng ta đã thấy chi phí vay của Bộ Tài chính tăng đáng kể đối với các chứng khoán đáo hạn vào đầu tháng 6”, Bộ trưởng Yellen viết.
Lần gần đây nhất Mỹ suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ là vào năm 2011 – và kết quả là quốc gia này đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA. Các CEO lưu ý rằng, đó cũng là một năm “khốn khổ” đối với thị trường và nền kinh tế. “Thị trường chứng khoán mất 17% giá trị trong hơn một năm. Báo cáo của Moodys cho biết, sự bất định ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng nợ này đã dẫn đến số việc làm bị hụt đi hơn 1,2 triệu; tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 0,7% và quy mô nền kinh tế bị thu hẹp 180 tỷ USD so với bình thường… Đấy chính là những tác động nghiêm trọng đã xảy ra dù không có vỡ nợ trên thực tế”, bức thư từ lãnh đạo các tập đoàn dẫn chứng.
Gấp rút ngăn chặn
Việc Mỹ không trả được nợ cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho mạng lưới an sinh xã hội, chương trình Medicare, các trợ cấp cựu chiến binh và quân đội của Chính phủ… Hậu quả sẽ gây tổn hại đến vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. “Những điều này không thể được phép xảy ra”, bức thư viết.
Trong nỗ lực gấp rút ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã cuộc họp kéo dài một giờ hôm thứ Ba với bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội: Ông McCarthy, Chủ tịch Hạ viện; Ông Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện; Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện; và ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện.
Dù quan điểm vẫn còn khác nhau, nhưng những người tham dự cho biết họ đã đạt được tiến bộ, bao gồm cả việc thông qua một thỏa thuận biến các cuộc đàm phán giới hạn nợ đa phương thành các cuộc đàm phán trực tiếp “một đối một” giữa một đồng minh thân cận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và hai phụ tá Nhà Trắng, thay mặt cho Tổng thống Biden. “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận”, ông McCarthy nói với các phóng viên sau cuộc họp, nhưng khẳng định về tổng thể, “hiện đang có một quy trình tốt hơn”.
Trong khi đó Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng, ông thường phải giải quyết nhiều việc cùng một lúc và ông cảm thấy tự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ tiến triển ngay cả khi ông vắng mặt (để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản). “Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi đã nói rõ với mọi người rằng, chúng tôi sẽ bàn bạc thường xuyên trong vài ngày tới và các nhân viên sẽ tiếp tục họp hàng ngày để đảm bảo rằng chúng tôi không vỡ nợ”, ông Biden nói với các phóng viên sau cuộc họp, và cho biết thêm. “Tôi nghĩ rằng có một sự đồng thuận áp đảo trong cuộc họp hôm nay với các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng, việc không trả được nợ đơn giản không phải là một lựa chọn”.
Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden “đã chỉ đạo nhân viên tiếp tục các cuộc họp hàng ngày về các vấn đề nổi cộm. Tổng thống nói rằng, ông muốn trao đổi với các nhà lãnh đạo Quốc hội vào cuối tuần này qua điện thoại và sẽ gặp họ ngay khi từ nước ngoài trở về”.
Nhà Trắng cũng cho biết, do tình trạng “tế nhị” của các cuộc đàm phán trần nợ hiện nay, chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Biden sẽ rút ngắn so với dự kiến trước đó. Cụ thể sau khi tới Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7, ông Biden sẽ trở lại Hoa Kỳ vào Chủ nhật tới - ngay sau khi hội nghị kết thúc và sẽ không thực hiện các chuyến thăm theo kế hoạch tới Papua New Guinea và Úc.