Chi phí đào tạo nhân sự ngân hàng tăng
Nở rộ nhiều mô hình tự đào tạo
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ cũng khiến hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhân lực của hệ thống NHTM tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu như tất cả các NHTM trong nước đến hiện nay đều đã đầu tư khá mạnh cho các chiến lược nhân sự phục vụ tái cơ cấu và chuyển đổi số. Theo đó, bằng việc chủ động tạo ra các chương trình, dự án phục vụ phát triển nhân lực, những mô hình học tập hình thành tại các nhà băng đang ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp và khá bài bản.
Ông Phùng Quang Hưng - Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, chi phí đào tạo phát triển con người của Techcombank chưa bao giờ giảm, kể cả trong các giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, từ nhiều năm trước với chương trình TechcomLead, ngân hàng đã đầu tư 2 triệu USD cho việc trang bị tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo cho nhóm lãnh đạo cấp trung. Trong các năm 2020-2022, chi phí đầu tư cho các hoạt động đào tạo của Techcombank cũng đã lần lượt tăng từ 1,3 và 2 lần.
“Chúng tôi cũng đã ra mắt Học viện Dữ liệu phục vụ học tập cho nhân viên. Đến hiện tại mỗi cán bộ, nhân viên đều có 53 giờ đào tạo nâng cao năng lực; đã có hơn 500 nhân viên được đào tạo về kỹ thuật số, hơn 1.800 đã được đào tạo về điện toán đám mây”, ông Hưng cho biết.
Xu hướng ngân hàng mở phổ biến khiến tư duy, cách thức tuyển dụng, đào tạo nhân sự của các NHTM thay đổi |
Không chỉ Techcombank, hàng loạt các NHTM khác như Vietcombank, VietinBank, SeABank, ACB, OCB, MB, VPBank… cũng rất chú trọng tới hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, trong năm 2021, ngân hàng này đã triển khai chương trình đào tạo Digital Transformation dành cho lãnh đạo cấp cao. Trường Đào tạo Vietcombank trong năm 2021 cũng ghi nhận trên 26.800 lượt cán bộ, nhân viên được đào tạo trực tuyến với kinh phí được trích từ lợi nhuận của ngân hàng.
Tại ACB với chương trình The Next Banker trong thời gian qua, ngân hàng này đã tạo cơ hội học tập nghiệp vụ ngân hàng hiện đại cho hàng chục ngàn sinh viên, thực tập sinh khi tham gia tuyển dụng và tập sự tại các chi nhánh, phòng giao dịch.
Trong khi đó, tại OCB mới đây, bằng việc hợp tác với ABeam Consulting, nhà băng này đã khởi động dự án chuyển đổi số đào tạo E-learning trên nền tảng giải pháp SAP Litmos. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Nhân sự & Đào tạo của OCB cho biết, với giải pháp mới này mỗi năm OCB có thể tổ chức hàng nghìn khóa học cho cán bộ, nhân viên.
Cơ hội chuẩn hóa nhân sự đầu vào
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trước xu hướng mở rộng thị phần bán lẻ và làn sóng tuyển dụng số lượng lớn của các ngân hàng hiện nay, cộng với việc hầu hết các nhà băng đều sẵn sàng đầu tư cho các kế hoạch đào tạo nhân lực, hiện VNBA đã hợp tác với CTCP Tập đoàn UB (UBGroup) xây dựng một kênh hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ tài chính ngân hàng hiện đại, phục vụ cho lao động muốn ứng tuyển vào các vị trí nhân sự tại các ngân hàng. Trong đó, VNBA sẽ tổ chức nhiều hình thức đào tạo, vận dụng thực tiễn phát sinh từ hoạt động kinh doanh các TCTD thành viên nhằm cụ thể hóa các yêu cầu học tập nhằm chuẩn hóa đầu vào cho nhân sự tại các NHTM trên hệ thống.
Các chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định rằng, việc mở rộng các kênh đào tạo, hợp tác đào tạo giữa các tập đoàn lớn, các viện, trường và fintech với các NHTM trong các năm tới sẽ là xu hướng diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó việc hình thành các mô hình ngân hàng mở (open banking) với trung tâm là NHTM và hệ sinh thái các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan vây quanh đang đặt ra yêu cầu “đa năng” cho nhân viên ngân hàng. Buộc các TCTD khi tuyển dụng phải thay đổi tư duy, cách thức đồng thời tập trung nguồn lực cho việc đào tạo lại nhân sự nhằm phù hợp với các yêu cầu vị trí công việc.
Các khảo sát của RPA đối với ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam cũng nhận định rằng trong giai đoạn 2022 - 2025, việc tối ưu vận hành bằng công nghệ là nhu cầu tất yếu của hầu hết các ngân hàng. Vì thế, nhu cầu ứng viên ứng tuyển vào ngành Ngân hàng sẽ ngày càng phải có khả năng thích ứng cao cho các vị trí công việc mới như nghiên cứu, phát triển nhằm cung ứng các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng... Ngoài ra, nhu cầu nhân sự về công nghệ như: chuyên gia an ninh mạng, nhà phân tích tín dụng, lập trình viên… cũng đẩy mạnh tính cạnh tranh nguồn nhân lực ngành Ngân hàng lên ngày một cao hơn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy các ngân hàng đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực đào tạo nhân lực, giữ chân nhân tài.
NHNN sử dụng hiệu quả kinh phí cho đào tạo nhân lực Với vai trò quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, thời gian qua NHNN rất tích cực trong việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với IMF, SEACEN, ADB, WB, JICA (Nhật Bản), GIZ (Đức), SECO (Thụy Sỹ)... để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia ngành Ngân hàng. Trong giai đoạn 2016-2021, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Ngân hàng được nâng lên rõ rệt nhờ đã xác định rõ hơn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, cử đúng đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu vị trí việc làm… |