Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách tại hớn quản
Mô hình Điểm giao dịch xã đã tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Ảnh chụp tại UBND xã Minh Đức, huyện Hớn Quản |
Những rào cản cần khắc phục
Từ năm 2014 đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng chính sách của huyện Hớn Quản đạt mức 395.093 triệu đồng, tăng trưởng 181,9% so với năm 2014. Tín dụng CSXH đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân và ngăn chặn nạn tín dụng đen. Nhờ đó, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 125 hộ (0,44%) và hộ cận nghèo là 143 hộ (0,5%), tính đến cuối năm 2023.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, tín dụng chính sách tại Hớn Quản vẫn đối mặt với một số thách thức. Nguồn vốn huy động từ địa phương chỉ đạt 2,99% tổng nguồn vốn. Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm,.. với tín dụng chính sách chưa đồng bộ, hạn chế hiệu quả sử dụng vốn tín dụng CSXH.
Tình trạng nợ xấu và nợ khoanh vẫn tồn tại, mặc dù đã giảm so với trước. Đến 30/4/2024, nợ quá hạn và nợ khoanh còn 261 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ. Trong đó: nợ quá hạn là 200 triệu đồng (tỷ lệ 0,05%); nợ khoanh là 61 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ. Cao nhất là kênh do Hội LHPN huyện quản lý với 140.417 triệu đồng, chiếm 36% tổng dư nợ ủy thác; nợ quá hạn 127 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ.
Ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu và nợ khoanh, nợ quá hạn vẫn tồn tại do một số địa phương trong huyện vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng, nhất là các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm đối với các hộ gia đình đang còn dư nợ Ngân hàng CSXH nhưng đã đi khỏi nơi cư trú...”
Tập huấn nghiệp vụ thực hiện tín dụng CSXH cho các đồng chí là Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản |
Mô hình Điểm giao dịch xã đã tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Ảnh chụp tại UBND xã Minh Đức, huyện Hớn Quản |
Để biến thách thức thành cơ hội
Bà Hoàng Thị Phương – Phó Chủ tịch hội LHPN huyện Hớn Quản cho biết: “Mặc dù có những khó khăn trong việc xử lý nợ quá hạn, song cấp Hội chúng tôi nhất quán, kiên trì với các giải pháp đưa ra ngay từ đầu năm khi ký kết thi đua như: Đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao cần chủ động có những hướng quản lý linh hoạt, sâu sát đến hộ có nợ quá hạn cao, nắm rõ nguyên nhân nợ quá hạn để có kế hoạch theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ đồng thời phối hợp với chính quyền đưa ra giải pháp xử lý; phân loại đối tượng để phối hợp với Ngân hàng CSXH đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan. Đặc biệt, tiếp tục tập trung rà soát các hộ vay sắp đến hạn, nợ quá hạn, nắm chắc các hộ vay đi làm ăn xa và bỏ đi khỏi nơi cư trú, kiên trì thu hồi nợ để đạt chỉ tiêu đề ra.”
Để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và tránh tình trạng vay ké, vay hộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm giải bài toán trên.
Trong 10 năm (2014-2024), các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã hoạt động hiệu quả, với 97,96% tổ xếp loại tốt và khá. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 394.848 triệu đồng, chiếm 99,94% tổng dư nợ. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện phối hợp cùng các thành phần liên quan tổ chức 03 đợt đối chiếu phân loại nợ. Tỷ lệ qua 03 đợt triển khai đều đạt 100% số khách hàng.. Điều này cho thấy công tác quản lý và giám sát tín dụng đang ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, ngân hàng CSXH tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các chính sách tín dụng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn và tăng cường đào tạo cho cán bộ quản lý. Mục tiêu là đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng và giúp họ sử dụng hiệu quả, hạn chế tình trạng nợ quá hạn.
Việc mở rộng mạng lưới giao dịch xã tại 13 xã, thị trấn và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông qua mô hình Điểm giao dịch xã đã góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn.
Bà Trịnh Thị Bích Hiền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản cho biết: “Định hướng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng Quản Trị (HĐQT) ngân hàng CSXH để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; đưa công nghệ số vào quản lý tín dụng chính sách; đào tạo và nâng cao năng lực quản lý; tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân, đối tượng thụ hưởng để sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện công khai, dân chủ tín dụng CSXH để mọi tầng lớp nhân dân biết và giám sát”.
Ngoài ra, huyện cần ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng CSXH. Ngân hàng CSXH cần có những chính sách hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách quản lý và phát triển sản xuất cho người dân để sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Tín dụng chính sách không chỉ góp phần xây dựng một Hớn Quản phát triển bền vững mà còn đáp ứng nguyện vọng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tương lai, cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo để người dân có thể sử dụng vốn hiệu quả hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của huyện.
Trong 10 năm qua, (2014 - 2024) từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 8.733 hộ nghèo và cận nghèo trong huyện Hớn Quản được vay vốn, 1.395 lao động được tạo việc làm, hỗ trợ 2.279 học sinh sinh viên vay vốn học tập, xây dựng 14.004 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ năm 2015, các chương trình mới như cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay Nhà ở xã hội, cho vay người chấp hành xong án phạt tù cũng được triển khai, giúp nhiều hộ gia đình có thêm cơ hội phát triển kinh tế. |