Chỉ số hàng hoá MXV-Index đứt chuỗi tăng 4 ngày
[Infographic] Xuất, nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 5/2024 Chỉ số hàng hóa MXV-Index lên mức cao nhất từ tháng 2/2023 |
Lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày suy yếu nhẹ 0,08% xuống 2.374 điểm, đứt chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.800 tỷ đồng.
Chỉ số hàng hoá MXV-Index đứt chuỗi tăng 4 ngày |
Giá cà phê tăng mạnh do gián đoạn vận tải
Đáng chú ý, 2 mặt hàng cà phê bất ngờ tăng vọt, dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường. Trong đó, cà phê Robusta tăng 6,72%, cà phê Arabica tăng 5,08%. MXV cho biết, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng xuất khẩu cà phê của Brazil đã hỗ trợ giá tăng cao, bất chấp nguồn cung có tín hiệu được nới lỏng.
Trong tháng 4, 95 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 80% tổng số tàu đã bị trì hoãn tại cảng Santos, nơi vận chuyển cà phê chính của Brazil. Thời gian tàu bị tắc lâu nhất lên tới 30 ngày, theo bản tin của ElloX Digital hợp tác với Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE).
Tình trạng ùn tắc cũng diễn ra tại các cảng khác như Rio de Janeiro tỷ lệ khoảng 70%; ở Paranagua là 42% và Salvador (BA) 29%,.... Nhìn chung, 210 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 54% trong tổng số 391 tàu container, đã bị trì hoãn trong tháng 4.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của hầu hết các quốc gia sản xuất chính. Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Colombia dự kiến đạt 12,4 triệu bao và xuất khẩu tăng lên khoảng 12 triệu bao. Tại Peru, sản xuất và xuất khẩu cà phê vụ 2024-2025 tăng lần lượt 7% và 6% so với vụ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (21/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng 1.500 – 1.600 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 105.000 – 105.800 đồng/kg. Như vậy, dù đã giảm mạnh gần 30.000 đồng/kg so với mức đỉnh thiết lập vào hồi tháng 4, cà phê nội địa vẫn duy trì vững vàng trên vùng giá 100.000 đồng/kg.
Giá lúa mì vững đà tăng
Trái ngược với diễn biến các mặt hàng trong nhóm nông sản, giá lúa mì tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng mạnh 1,27%. Đà tăng của giá được củng cố bởi những lo ngại về tình trạng sương giá tại Nga, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Hãng tư vấn IKAR dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024 - 2025 của nước này giảm 2,5 triệu tấn, xuống 83,5 triệu tấn. Đứng trước những rủi ro về triển vọng mùa vụ năm nay, IKAR dự kiến lượng lúa mì xuất khẩu trong niên vụ 2024 - 2025 từ Nga đạt 45 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với số liệu trước đó.
Trong khi đó, tình hình lúa mì vụ đông của Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực hơn do ảnh hưởng của các cơn mưa rất lớn tại đồng bằng phía nam. Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ của USDA, tỉ lệ lúa mì vụ đông của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời là 49%, giảm 1% so với tuần trước đó và thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường.
Nguồn cung nhập khẩu thắt chặt, trong khi giá thế giới tăng nhanh những ngày gần đây cũng đã khiến giá chào bán nội địa liên tục điều chỉnh tăng. Ghi nhận trong sáng hôm qua 21/5, giá giao dịch lúa mì tại miền Bắc dao động trong khoảng 6.800 – 6.850 đồng/kg đối với các tháng giao hàng kỳ hạn quý III năm nay.