Thị trường Halal: Tiềm năng lớn, khai thác còn hạn chế
Nhiều cơ hội với thị trường Halal Thị trường Halal còn nhiều khoảng trống để chinh phục |
Tiềm năng xuất khẩu nông sản lớn
Theo hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt hơn 2.500 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên mức 4.900 tỷ USD vào năm 2031, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.
Bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường Trung Đông có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal, đặc biệt là nông sản, nên rất tiềm năng cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Thị trường Halal Pakistan đang mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Faiza Shafqat, Tham tán Thương mại và Đầu tư của Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam, với dân số Hồi giáo đông đảo, nhu cầu về các sản phẩm Halal tại Pakistan là rất lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đội ngũ Tham tán thương mại Pakistan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam có mặt tại thị trường này.
Ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE đã có những đánh giá lạc quan về tiềm năng xuất khẩu nông sản của nước ta vào thị trường Halal. Với lợi thế là một trong những nhà cung cấp nông sản hàng đầu thế giới, cùng với vị trí địa lý thuận lợi và chính sách mở cửa, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội lớn để thâm nhập sâu hơn vào thị trường béo bở này.
Đặc biệt, việc tập trung vào các sản phẩm đã có thế mạnh như gạo, cà phê, hạt tiêu và các loại trái cây nhiệt đới, kết hợp với việc đẩy mạnh chứng nhận Halal, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Thị trường Halal đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản và thủy sản. Với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ấn tượng tại các quốc gia Hồi giáo, như UAE, tiềm năng của thị trường này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp Việt cần vượt qua rào cản về chứng nhận Halal.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận Halal đang tăng lên, nhưng so với quy mô thị trường và tiềm năng của các sản phẩm Việt, con số này vẫn còn khiêm tốn. Vị trí địa lý thuận lợi và thế mạnh về nông nghiệp là những lợi thế cạnh tranh quan trọng, nhưng chưa được khai thác hết.
"Mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá", ông Trương Xuân Trung chia sẻ.
Cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal
Theo các chuyên gia, điểm yếu của nông sản Việt Nam là tư duy và trình độ quản lý vận hành doanh nghiệp còn thiếu và yếu; thiếu nguồn vốn đầu tư cho trang thiết bị, công cụ kiểm tra kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam lại chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn tới tâm lý e ngại và chưa chịu đầu tư. Gặp nhiều khó khăn trong chứng nhận: nhiều tiêu chuẩn chứng nhận riêng biệt cho từng khu vực và tốn nhiều chi phí. Hệ thống còn sản xuất chung với các sản phẩm haram (heo, chất có cồn).
Doanh nghiệp thiếu nguồn nhân sự (nhân viên theo đạo Hồi làm quản lý quy trình sản xuất Halal) và nguyên liệu Halal, chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng nhận Halal cũng như các tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam.
Để chinh phục thị trường Hồi giáo GCC (Trung Đông) đầy tiềm năng, ông Lê Châu Hải Vũ - Giám đốc Công ty CP Consultech cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thực phẩm và nông sản cần vượt qua một "rào cản" quan trọng là chứng chỉ Halal.
Theo tiêu chuẩn GSO, sản phẩm phải hoàn toàn "sạch" các thành phần Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo), quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đóng gói, ghi nhãn. Chứng chỉ Halal không chỉ là một giấy thông hành vào thị trường này mà còn là minh chứng cho chất lượng và sự uy tín của sản phẩm.
"Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu thị trường để có cái nhìn sâu sắc về những xu hướng mới nổi. Việc am hiểu tường tận về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh địa phương là yếu tố then chốt. Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và tôn trọng những giá trị văn hóa, tôn giáo là điều kiện tiên quyết để thành công. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn đặc biệt về bao bì sản phẩm và quảng cáo cũng là một thách thức mà doanh nghiệp cần vượt qua", bà Nguyễn Minh Phương chia sẻ.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Thị trường Halal đang mở ra những cơ hội vô cùng lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, các doanh nghiệp cần hành động ngay. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia trong ngành là điều kiện tiên quyết. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một quy trình sản xuất chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal, giúp thịt gà Việt Nam nhanh chóng thâm nhập và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.