Chỉ thị số 40 thúc đẩy các nguồn lực cho tín dụng chính sách
Bắc Giang: Vốn tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả Quảng Nam phát huy nguồn lực tín dụng chính sách |
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị số 40) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn…
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đó là đánh giá trong báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Và hơn ai hết, người dân, hộ vay vốn là những người được hưởng thành quả khi nguồn vốn được dành nhiều hơn cho tín dụng ưu đãi.
Đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương sang NHCSXH đạt 464,4 tỷ đồng, tăng hơn 411,4 tỷ đồng so năm 2014, chiếm 8,3% so tổng nguồn vốn tín dụng chính sách; từ năm 2015 đến nay, hằng năm, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều dành một phần ngân sách để chuyển sang ủy thác NHCSXH cho vay các chương trình, như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ nghèo; cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Bà Trần Thị Bích Lan, chủ cơ sở sản xuất nhang ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa cho biết, trước đây, gia đình bà làm nhang thủ công nên năng suất thấp, nhất là vào thời điểm cuối năm, sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, khi được NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm, bà Lan đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy phóng tăm, se nhang, trộn bột để phục vụ sản xuất. Đến nay, hệ thống máy làm nhang của cơ sở phát huy hiệu quả, cho năng suất cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương. “Nếu không có nguồn vốn mồi của NHCSXH thì cơ sở sản xuất của tôi không phát triển được như hiện nay”, bà Lan chia sẻ.
Cán bộ NHCSXH Quảng Ngãi luôn tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội |
Chị Bùi Thị Kim Anh ở Tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH để xây dựng mô hình nuôi chim trĩ. Đầu năm 2023, chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để mở cửa hàng bán trứng chim trĩ. Chị Kim Anh cho biết, sau khi được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH để xây dựng mô hình nuôi chim trĩ, hiện tại đàn chim của gia đình phát triển rất tốt và tăng lên với số lượng 1.000 con. Đặc biệt, chị luôn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ đó mà mô hình phát huy hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình khấm khá dần, tạo được việc làm cho nhiều lao động.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 tại Quảng Ngãi, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã giúp cho 307.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, số tiền gần 11.000 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/6/2024 đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng đạt 141,5% với gần 107 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.
Hộ vay vốn ở huyện đảo Lý Sơn chia sẻ về mô hình trồng tỏi với cán bộ NHCSXH |
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho gần 61.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 7.100 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 46.350 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 425 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 162.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 4.528 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Những con số ấn tượng trên đã minh chứng cho hoạt động tín dụng chính sách mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỉnh ủy giao UBND tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi và chỉ đạo Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, cấp huyện trong việc chỉ đạo phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chú trọng việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, chất lượng công tác ủy thác và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn, đặt biệt là duy trì tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp.
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH giúp chị Bùi Thị Kim Anh mở cửa hàng bán trứng chim trĩ |
Để nguồn vốn ưu đãi mang lại hiệu quả hơn nữa, ông Trần Duy Cường, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới chi nhánh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tín dụng chính sách xã hội, xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống người dân.