Chia sẻ lợi nhuận, giúp khách hàng vượt khó
Agribank triển khai "chùm" chương trình tri ân khách hàng | |
Agribank nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo bền vững | |
Hành trình đưa Nghị quyết về “tam nông” đi vào cuộc sống |
Agribank vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên. Nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Agribank chỉ đạt 6.800 tỷ đồng, giảm tới 13% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do chính là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy đến thời điểm 30/6/2020, dư nợ tín dụng của Agribank đạt 1,13 tỷ đồng và đứng đầu hệ thống nhưng tốc độ tăng chỉ là 1,2% so với đầu năm mức thấp nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.
Agribank đóng vai trò chủ lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, chương trình tín dụng mục tiêu quốc gia |
Trong khi tín dụng tăng thấp thì huy động vốn lại tăng mạnh tăng 4% so với đầu năm khiến chi phí lãi tăng mạnh hơn thu nhập từ lãi. “Mặc dù thừa tiền, song các ngân hàng cũng không thể hạ sâu lãi suất huy động, bởi giảm sâu lãi suất sẽ tác động lớn đến quyền lợi của khách hàng gửi tiền, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, lãnh đạo Agribank chia sẻ lý do huy động vốn vẫn tăng cao.
Chi phí lãi suất đầu vào khó hạ nhưng từ đầu năm đến nay, do khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19, Agribank đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng. Song song với đó, Agribank còn đóng vai trò chủ lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, chương trình tín dụng mục tiêu quốc gia. Khó khăn nữa của ngân hàng, do quy mô khách hàng lớn nên số lượng khách hàng phải cơ cấu nợ khá lớn khiến thu nhập từ lãi giảm mạnh vì nợ cơ cấu lại không được ghi nhận lãi dự thu.
Tính đến ngày 30/6/2020, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 43.069 tỷ đồng, trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 35.000 tỷ đồng cho gần 9.000 khách hàng; miễn giảm lãi đến 8.000 tỷ đồng cho gần 1.000 khách hàng. Doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19: 20.560 tỷ đồng với trên 9.000 khách hàng, trong đó doanh số giải ngân chương trình 100.000 tỷ đồng đạt trên 14.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu là 45.085 tỷ đồng, trong đó hạ lãi suất đối với dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 10.370 tỷ đồng với gần 10.000 khách hàng.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Agribank đã giúp khách hàng cầm cự, giảm bớt khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, song sự hỗ trợ này khiến thu nhập của ngân hàng giảm mạnh. Dự kiến số lượng khách hàng sẽ còn tăng mạnh nữa khi Thông tư 01 được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng và thời gian cơ cấu. Bên cạnh đó, việc thu hồi nợ gặp khó khăn do thanh khoản thị trường bất động sản kém, việc khởi kiện để thu hồi nợ chậm trễ… khiến việc thu hồi nợ giảm, kéo theo lãi thuần từ hoạt động khác suy giảm. Trong khi đó, năm 2019, hoạt động thu hồi nợ của Agribank rất tốt, mang về khoản thu nhập gần 12.000 tỷ đồng cho ngân hàng.
Trong bối cảnh nhiều nguồn thu suy giảm, Agribank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động. Chí phí nhân viên gần 6.900 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, năm nay ngân hàng hạn chế tuyển dụng để tránh phát sinh quỹ tiền lương, chỉ tuyển dụng bù đắp cho lao động nghỉ hưu.
Bà Nguyễn Thị Phượng cho hay, năm nay, Agribank phấn đấu đạt mục tiêu kép: lợi nhuận tối thiểu 12.200 tỷ đồng để được giữ lại 3.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu này là rất thách thức. Thực tế là số khách hàng có nhu cầu được cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay với các khoản vay hiện hữu nhiều hơn là khách hàng có nhu cầu vay mới. Do vậy, tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm. Hiện số dư nợ mà Agribank cơ cấu, giảm lãi, phí lên tới 120.000 tỷ đồng, trong khi cho vay mới chỉ 60.000 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm. Agribank có đặc điểm là 2/3 dư nợ tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nên tác động bởi Covid-19 không nặng nề bằng một số ngân hàng khác, song nhu cầu tín dụng của khách hàng cũng giảm mạnh do xuất khẩu giảm, tiêu dùng giảm.
Trong khi lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái thì nợ xấu tại Agribank lại tăng. Đây cũng là thực trạng chung tại hầu hết các ngân hàng nửa đầu năm nay, do khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tại thời điểm 30/6, tỷ lệ nợ xấu của Agribank là 2,15% (cuối quý I/2020 là 1,56%), chủ yếu tăng mạnh ở nợ nhóm IV và nợ nhóm V. Tổng số nợ xấu của Agribank đến 30/6/2020 là hơn 24.000 tỷ đồng trong khi tổng nguồn trích lập dự phòng của Agribank đạt gần 24.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 100% (chưa bao gồm tài sản đảm bảo).
Xác định hoạt động kinh doanh ngân hàng sẽ đối mặt với những khó khăn, nhưng lãnh đạo Agribank cho biết, trong thời gian tới ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt khó. Tuy nhiên, việc kích cầu tín dụng cũng không đơn giản đầu ra sản phẩm hàng hóa của DN bị ách tắc, thu nhập người dân giảm sút do Covid. Do đó, điều kiện tiên quyết hiện nay là tập trung kiểm soát và ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19, từng bước phục hồi nền kinh tế. Có như vậy, doanh nghiệp mới thoát khỏi trạng thái “ngủ đông” và tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh.