Chính sách tiền tệ vẫn thận trọng, linh hoạt
Chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tác động rất lớn tới tình hình trong nước như: hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, nông, lâm nghiệp, thủy sản, điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp FDI… Không khó hiểu khi trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng đều chịu những ảnh hưởng nhất định, nhiều nơi đã phải cho nhân viên nghỉ không lương, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp khó cũng đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, kéo theo đó, nhu cầu tín dụng cũng sụt giảm mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến thời điểm này tín dụng mới chỉ tăng khoảng 0,5% so với cuối năm 2019. Tuy vậy, NHNN cũng chưa điều chỉnh về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay.
Việc cắt giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất |
Đồng tình quan điểm này, mặc dù cũng đánh giá diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến cầu tín dụng giảm, song TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mức độ tác động chưa phải là quá lớn, nên thời điểm này chưa cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Nếu các giải pháp hỗ trợ của cơ quan điều hành phát huy được hiệu quả, thì rất có thể tín dụng sẽ diễn biến thuận lợi hơn.
Cho tới thời điểm này, Chính phủ chưa có thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà vẫn trên quan điểm đảm bảo “mục tiêu kép” khi vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Chính bởi thế, việc điều hành chính sách tiền tệ theo chuyên gia vẫn phải đảm bảo linh hoạt, phù hợp, nên việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần phải xem xét rất kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, sự thận trọng giúp chính sách tiền tệ có thêm dư địa để vận hành các kịch bản điều hành, đảm bảo phát huy tốt nhất cho nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Lạm phát ít ảnh hưởng
Còn nhớ thời điểm hai tháng đầu năm, lạm phát tăng khá mạnh. Tuy nhiên nhiều chuyên gia dự báo dịch Covid-19 sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, song sẽ kéo áp lực lạm phát giảm. Chính bởi vậy, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia tháng 2 vừa qua, Thống đốc NHNN khẳng định rằng, NHNN không nôn nóng thắt chặt chính sách tiền tệ để xử lý vấn đề lạm phát, nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là thận trọng, phù hợp để không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Theo Thống đốc, phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay, mà còn tăng trưởng bền vững hơn.
Đúng như dự báo, dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trên tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp để giúp ổn định nền kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư 01 quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, ngay sau khi Fed hạ lãi suất, NHNN cũng đã có quyết định hạ lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay nền kinh tế, qua đó kích thích nhu cầu tín dụng.
Theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. NHNN cũng chưa điều chỉnh về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay.
Giới chuyên gia đều đánh giá, động thái điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN nằm trong mức tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá… Mặc dù lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91%, cao hơn so với mục tiêu đã đề ra, song theo các chuyên gia, áp lực lạm phát sẽ giảm do giá dầu thế giới giảm mạnh, trong khi dịch bệnh cũng kéo giá nhiều hàng hóa, dịch vụ khác giảm theo. Đó là cơ sở để NHNN có thể cắt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế và mức độ cắt giảm cũng hợp lý cho thấy sự thận trọng của nhà điều hành để không tạo áp lực đến lạm phát.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ, trần lãi suất huy động ngắn hạn sau khi giảm vẫn đảm bảo thực dương nên khả năng tác động tới yếu tố lạm phát tôi cho rằng không nhiều.
Cũng bày tỏ không có quan ngại về gia tăng lạm phát, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, hiện giá dầu trên thế giới đang trong xu hướng giảm khá mạnh, thậm chí giảm “sốc”, kéo theo lạm phát xuống sâu, mức cầu của nền kinh tế cũng xuống thấp. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Bởi thế, khi giá xăng dầu giảm cũng đồng nghĩa với việc giá các mặt hàng, dịch vụ cũng giảm theo. Chưa kể trong bối cảnh hiện nay, bản thân người dân cũng tiết giảm chi tiêu, nhu cầu giải trí, du lịch... nên tiêu dùng sẽ chậm lại, và không có nguy cơ quá lo ngại về gia tăng lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế đa phần đều nhận thấy, trong diễn biến chưa đủ dữ liệu để đánh giá thiệt hại thì chưa nên nói tới việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tất nhiên là Chính phủ cũng như cơ quan quản lý đều cần có những kịch bản, dự báo, tính toán phù hợp với thực tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ dù thế nào vẫn có độ trễ, và dịch Covid-19 có thể tác động cả về phía cung, nên để thêm cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại, thì rất cần sự vào cuộc của cả chính sách tài khoá, như vậy sẽ có hiệu quả ngay tức thì. Việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá luôn đem lại hiệu quả tốt hơn.