Cho vay ngang hàng: Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đánh giá thực trạng hoạt động P2P Lending | |
Quản lý P2P Lending: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý |
Phải có hành lang pháp lý phù hợp
Theo Nikkei, trong năm 2018, số lượng các công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giảm 25% xuống còn hơn 1.000 công ty. Mới đây, Reuters cũng dẫn nguồn tin cho biết Dianrong - một trong những công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) lớn nhất Trung Quốc chuẩn bị đóng cửa 60/90 chi nhánh. Thông tin được NHNN đưa ra tại cuộc họp về hoạt động P2P lending do Chính phủ tổ chức mới đây cho thấy, việc Trung Quốc siết chặt quản lý đã khiến các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Morgan Stanley nhận định P2P tăng trưởng 53,5% trên toàn cầu vào năm 2020 |
P2P lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Không phủ nhận sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng, chính bản chất của hoạt động này là một trung gian tài chính, chi phối vấn đề chuyển vốn giữa các chủ thể với nhau trong nền kinh tế nên đòi hỏi cần gấp rút nghiên cứu để ban hành hành lang pháp lý.
Đồng tình với quan điểm trên, một luật sư chia sẻ thêm, hoạt động cho vay của lĩnh vực chuyên ngành yêu cầu phải có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh. “Pháp luật chung về dân sự, hành chính, hình sự... hay các FTA thoả thuận về khung pháp lý của Việt Nam với một số nước chúng ta có. Nhưng xử lý cụ thể trong từng sự vụ, cam kết, giao dịch trong P2P đòi hỏi phải có hành lang pháp lý rõ ràng để tránh hoạt động này bị méo mó, biến tướng, gây rủi ro cả cho ba phía: trung gian, người đi vay, người cho vay”, vị này nêu ý kiến.
Thực tế, các công ty P2P của Việt Nam nguồn lực còn khiêm tốn, những biến tướng dễ xảy ra phần nhiều tới từ các công ty nước ngoài có nguồn lực tài chính mạnh. Trong 40 công ty P2P lending đang hoạt động ở Việt Nam, có tới 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia, Singapore.
P2P lending tiềm ẩn nhiều rủi ro, như việc trước khi một cá nhân được chấp thuận vay vốn từ công ty cho vay ngang hàng, tất cả các thông tin xung quanh cá nhân này sẽ được thu thập qua phần mềm được lập trình. Không chỉ dừng lại là thông tin, lý lịch, tiểu sử, hay hoạt động trên các mạng xã hội... mà còn là thông tin liên hệ của những người liên quan như cha/mẹ/vợ/chồng/anh chị em...
“Việc thu thập thông tin để đưa ra quyết định cho vay là bình thường (tất nhiên việc thu thập này cũng cần có hành lang pháp lý bởi sẽ ảnh hưởng tới đời tư cá nhân của người có quan hệ liên quan với người đi vay), nhưng vấn đề phát sinh là khi người đi vay không trả được nợ, thì những người liên quan tới người đi vay cũng dễ bị quấy nhiễu, làm phiền để đòi nợ bởi đã bị “định vị”, một chuyên gia cho biết.
Đó là chưa kể những rủi ro khi thông tin cá nhân các bên tham gia bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật. Không loại trừ khả năng một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, biến tướng để huy động tài chính đa cấp...
Tiếp cận sandbox
Không rõ ràng về lợi nhuận, lãi suất phi thực tế, hay không thông báo rủi ro có thể gặp phải... đều là những tồn tại thực tế của mô hình P2P lending. Thêm nữa, có hiện tượng bản chất là công ty tài chính, nhưng vì muốn lách luật, thực hiện hoạt động cho vay này nên mở ra một công ty công nghệ. So sánh một chút với trường hợp Grab hay Uber, dự thảo Nghị định quản lý thí điểm đối với loại hình này cũng còn chưa ngã ngũ, khi đã qua bẩy lần dự thảo nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề này vẫn yêu cầu làm lại. Kể cả thí điểm, sau đó sẽ có những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp, còn hiện tại chưa có pháp luật chính thống quản lý về taxi công nghệ, huống chi P2P là một hoạt động cho vay khá phức tạp.
Tại cuộc họp với Chính phủ về hoạt động của các công ty P2P lending, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề xuất Chính phủ cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan nhà nước cấp phép. Chính phủ ban hành một Nghị quyết - cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng ban hành Quyết định cho phép thí điểm thực hiện để tiến tới tổng kết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý.
Phó Thống đốc NHNN cho rằng, trước tiên nên quản lý trong phạm vi P2P lending kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính, đồng thời không cho phép các công ty P2P lending được quyền huy động vốn để cho vay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm nhà nước nghiêm cấm, sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này. Phó Thủ tướng cũng giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, gồm các nội dung cơ bản của các khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.
Trao đổi với TS-LS. Bùi Quang Tín, ông này cũng đồng thuận rằng kể cả việc có hành lang pháp lý thì ban đầu vẫn cần phải thử nghiệm, còn nếu ban hành ngay lập tức sẽ rất khó cho cơ quan nhà nước, “vì chúng ta không thể nào lấy phiên bản nước ngoài mà áp vào được, phải phù hợp với điều kiện và môi trường Việt Nam. Tất cả các bên liên quan từ trung gian, người đi vay, người cho vay đều cần quy định rõ ràng, cụ thể về những việc được làm và không được làm, quyền và nghĩa vụ nhất định”.
Luật sư này đề xuất nên triển khai sandbox, bởi ở môi trường pháp lý thử nghiệm sẽ có những biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng ảnh hưởng của sự thất bại (nếu có) của các công ty bị hạn chế và không ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung.
Theo đó, có thể chọn những tổ chức doanh nghiệp triển vọng, có năng lực tài chính tốt để áp dụng, thử nghiệm những mô hình/sản phẩm/dịch vụ phục vụ công chúng. Điều này cũng giúp cho bản thân những đơn vị này đánh giá được tác động, khả năng sinh lời và mô hình kinh doanh tổng thể. Sau đó sẽ sàng lọc ra những sản phẩm/dịch vụ tốt cũng như các doanh nghiệp có tiềm năng để cơ quan quản lý đưa ra khuôn khổ pháp lý thử nghiệm phù hợp. Cuối cùng, khi đơn vị đáp ứng được yêu cầu tương đối của pháp luật, sẽ cho phép triển khai rộng trên thị trường những sản phẩm này.
“Việc mở rộng chủ thể tham gia là tốt vì đây là mô hình kinh doanh theo nền kinh tế thị trường, nhưng đây chưa phải thời điểm, và quan trọng là làm sao giúp cho mô hình này hoạt động đúng bản chất, tránh lệch lạc, méo mó, gây ra rủi ro cho các bên liên quan”, vị này cho hay.