Cho vay xanh
Thời gian vừa qua, vấn đề ô nhiễn môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội.
Ảnh minh họa |
Trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, các cấp, các đoàn thể, mỗi DN, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường từ mỗi hành động nhỏ nhất. Nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam xanh - sạch - đẹp, thân thiện trong con mắt bạn bè thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, trong nhiều năm qua ngành NH đã quan tâm đến việc đầu tư tín dụng xanh. Một số NHTM đã xây dựng hệ thống quản lý môi trường xã hội hiệu quả với các chính sách rõ ràng về môi trường, xã hội, quy trình chi tiết để phân loại rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng. Các khoản đầu tư xanh được coi là một mảng kinh doanh tiềm năng và là kế hoạch mở rộng của các NH trong ngắn, trung hạn. Đa số các NH cho rằng, môi trường là mảng kinh doanh hứa hẹn và được ưu tiên.
NHNN đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Chỉ thị nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của các NHTM cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
NHNN yêu cầu các TCTD rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Từ đó góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay các khoản cho vay tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy điện. Một số ít có liên quan đến phong điện, xử lý chất thải, du lịch sinh thái, lọc hóa dầu. Còn nhiều sản phẩm về tín dụng xanh hiện đang khá phổ biến trên thế giới như các sản phẩm về năng lượng tái tạo (địa nhiệt, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời...), các sản phẩm tiết kiệm, tái chế năng lượng, đầu tư hiệu quả năng lượng... thì chưa có tại Việt Nam. Những sản phẩm này chủ yếu là các khoản cho vay do các tổ chức quốc tế tài trợ (WB, SECO, JICA, ADB...).
Vấn đề khó khăn hiện nay của các NHTM khi thực hiện đầu tư tín dụng xanh, là việc thẩm định rủi ro môi trường, kỹ thuật thẩm định rất phức tạp. Trong khi đó nhiều NH thiếu nguồn lực cán bộ để đánh giá rủi ro về môi trường xã hội. Không có cán bộ được đào tạo chuyên sâu và chuyên trách trong việc đánh giá rủi ro môi trường, xã hội. Ngoài ra chi phí cho vay các dự án đòi hỏi yếu tố môi trường thường cao hơn các dự án thông thường… Chính vì vậy tính lan tỏa trong việc thực hiện các dự án tín dụng xanh trong hệ thống NH còn hạn chế.
Để tăng tính lan tỏa, ngoài việc các NHTM cần tăng cường trách nhiệm cho vay vào các dự án bảo vệ môi trường. Cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý như NHNN cũng cần phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các hướng dẫn ngành cụ thể đối với các vấn đề về môi trường và xã hội. Hỗ trợ đào tạo năng lực thẩm định môi trường cho các NHTM; Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương nên có chính sách ưu đãi về thuế (mức thuế cụ thể được hưởng ưu đãi tùy theo loại hoạt động môi trường được ưu đãi), như thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; cam kết giá đầu ra ổn định trong nhiều năm cho các dự án sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, phong điện, địa nhiệt.