Chủ động ngăn ngừa trục lợi quỹ bảo hiểm
Trên 11,6 triệu người được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp Đề xuất chi 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động |
Đối với BHXH nhận một lần, hoạt động trục lợi phổ biến là mua bán, cầm cố hoặc ủy quyền cho người khác làm thủ tục để hưởng lợi.
Trong khi đó, đối với bảo hiểm thất nghiệp, xuất hiện nhiều trường hợp người lao động thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động để hoãn thời điểm báo tăng tham gia BHXH từ đó giảm mức đóng để thu lợi.
Riêng đối với bảo hiểm y tế (BHYT), hình thức trục lợi rất đa dạng như lập hồ sơ chứng từ khống; thống kê, thanh toán dịch vụ không đúng quy định, đề nghị thanh toán nhiều hơn số lượng thuốc thực tế sử dụng; thanh toán chi phí vật tư y tế đã có trong giá dịch vụ kỹ thuật, mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh hoặc lấy thuốc nhiều lần không vì mục đích điều trị bệnh…
Trong bối cảnh đó, mới đây BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 2853/BHXH-TTKT chỉ đạo tất cả hệ thống vào cuộc rà soát, phòng ngừa và phát hiện các trường hợp nghi ngờ sai phạm, trục lợi các quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên khi phát hiện các hành vi nói trên, với thẩm quyền của mình, BHXH mới chỉ xử lý ở mức thu hồi hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, điều tra.
Luật sư Trần Xuân Tiền (Văn phòng luật sư Đồng đội) cho rằng, trước đây, Thông tư 31/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính (về hướng dẫn Nghị định 118/2003/NĐ-CP) đã quy định hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm. Theo đó, hành vi này được xem là “hành vi cố ý lừa dối tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, yêu cầu, giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bảo hiểm”.
Tuy nhiên, Thông tư này đã hết hiệu lực thi hành do Nghị định 118/2003/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Hiện nay pháp luật hiện hành cũng chưa có văn bản nào quy định cụ thể về hành vi trục lợi bảo hiểm. Vì thế cần nhanh chóng bổ sung để có cơ sở pháp lý xử lý các vụ việc.
Theo một số chuyên gia pháp lý, hiện nay hầu hết các vụ việc vi phạm trục lợi BHYT đều chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 70 triệu đồng (theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Mức phạt này chưa đủ sức răn đe, vì thế có thể xem xét tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc có tổ chức.
Trong trường hợp các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì BHXH và các ngành, chức năng liên quan cũng như địa phương cần phối hợp với cơ quan công an để nghiên cứu, phân loại, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gian lận bảo hiểm y tế theo Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.