Chủ động ứng phó với mọi diễn biến
Việt Nam là điểm đến an toàn tự nhiên, các bãi biển đầy nắng, không khí rất tốt | |
Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 |
Kỳ vọng dịch bệnh sớm kết thúc
Tại 3 tỉnh có dịch (gồm Thanh Hoá, Khánh Hoà và Vĩnh Phúc), đến nay Khánh Hòa đã quá 30 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới, nên đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ để công bố tỉnh hết dịch, trong khi Thanh Hoá cũng qua 24 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm mới.
Dù còn quá sớm để khẳng định đỉnh dịch đã đi qua do tính chất phức tạp của nó, nhưng với việc liên tiếp trong 5 ngày qua số ca nhiễm mới không phát sinh thêm cho thấy tình hình đang tiến triển tốt, bước đầu tạo kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế và các hoạt động sẽ trở lại bình thường, nhờ đó mức độ tác động đến tăng trưởng cả năm sẽ không quá lớn.
Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch do Văn phòng Chính phủ đưa ra ngày 17/2, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ; chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo về tác động của dịch bệnh này mà Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra mới đây, với hai giả định chính:
(i) những biến động khác (ngành nghề, lĩnh vực khác) vẫn duy trì đà tăng trưởng như thường lệ; và (ii) Chính phủ chưa có gói kích thích kinh tế hay chưa điều chỉnh chính sách kinh tế thì ở kịch bản tích cực, GDP cả năm 2020 có thể chỉ giảm khoảng 0,32 điểm % (trong đó, GDP có thể giảm mạnh nhất trong quý I ở mức khoảng 1,22 điểm %; GDP quý II giảm 0,39 điểm % sau đó phục hồi ở các quý tiếp theo). Ở kịch bản này, dịch bệnh được khống chế, kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, nhờ đó các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh cũng sẽ sớm được gỡ bỏ và các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường từ đầu quý II/2020.
Sẵn sàng ứng phó
Báo cáo của công ty nghiên cứu kinh doanh toàn cầu Dun & Bradstreet công bố gần đây cho biết, ít nhất 51.000 DN trên toàn thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp trực tiếp (cấp 1) tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh ở Trung Quốc, và ít nhất 5 triệu DN có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp 2. Điều đó có nghĩa là có hàng triệu DN bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng – sản xuất gây ra bởi dịch bệnh này, nên tác động đến hoạt động kinh doanh và tăng trưởng kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó báo cáo mới nhất (đưa ra ngày 17/2) của Moody's dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, trong đó các nền kinh tế G-20 có thể chỉ tăng 2,4%, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ ở mức 5,2%. “Sự bùng phát của Covid-19 đã làm giảm sự lạc quan về triển vọng ổn định của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Trong bối cảnh dịch bệnh này tiếp tục lây lan, vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá cuối cùng về tác động đối với Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu”, báo cáo của Moody's cho biết.
Do đó, dự báo cụ thể trên của Moody's mới dựa trên giả định là sự lây lan của Covid-19 được ngăn chặn vào cuối quý I/2020, và hoạt động kinh tế được khôi phục bình thường vào quý II. “Tuy nhiên, tổn thất kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn nếu tỷ lệ lây nhiễm và tử vong không giảm, gây ra cú sốc thật sự cho chuỗi cung ứng quốc tế. Có bằng chứng rằng chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, bao gồm cả bên ngoài Trung Quốc. Hơn nữa, việc đóng cửa nhà máy kéo dài ở Trung Quốc sẽ có tác động toàn cầu, do tầm quan trọng và mối liên kết của quốc gia này trong nền kinh tế thế giới”, Phó chủ tịch Moody’s Madhavi Bokil nói.
Điều đó cho thấy với Việt Nam, kỳ vọng cho tác động sẽ ở mức tối thiểu nhất không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chủ quan, không chuẩn bị cho một kịch bản tác động tiêu cực hơn khi giả định dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài hơn. Theo kịch bản cơ sở mà Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra, tăng trưởng GDP năm nay có thể giảm khoảng 0,83 điểm % (trong đó, GDP quý I giảm 1,23 điểm % và GDP quý II giảm 0,71 điểm %).
Theo kịch bản này, dịch bệnh có thể được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm Covid-19 vẫn tăng trong các vùng đã có dịch. Điều này dẫn tới việc các biện pháp ngăn chặn dịch vẫn phải tiếp tục được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh. Các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư… sẽ dần phục hồi từ nửa cuối quý II/2020.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, một tác động rõ ràng của dịch bệnh là nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường đang bị ảnh hưởng. Nếu dịch Covid-19 được khống chế trong thời gian ngắn thì việc bình thường hóa các hoạt động sẽ nhanh và ngược lại. Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, về mặt vĩ mô chúng ta vẫn phải tính đến các tình huống xấu hơn, như hoạt động của các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải hậu cần… tiếp tục kém đi sẽ ảnh hưởng đến những lĩnh vực và DN liên quan khác, đây là một trong những hệ lụy sẽ có những khoản vay đến hạn không trả được.
“Như vậy một mặt chúng ta phải tập trung cho chống dịch với tinh thần không lơ là nhưng bình tĩnh, tránh lo ngại quá mức; mặt khác cần hướng dẫn, tính toán, thống kê cụ thể các thiệt hại do dịch để có giải pháp hỗ trợ phù hợp”, PGS.TS. Cường nói.
Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch do Văn phòng Chính phủ đưa ra ngày 17/2, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp diễn biến dịch Covid-19. Trong đó riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%), cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả để thực hiện. |