Chuột và những cách dân gian nhìn về chuột
Nhìn chung, động vật hoang dã thường sợ người, tránh người. To như voi, khỏe như hổ báo, nhanh như hươu nai, độc như rắn rết… đều sợ người và tìm cách sống xa người. Chỉ có anh Cu Tý nhà ta - tên khai sinh là chuột - luôn tìm cách được sống gần người để kiếm kế sinh nhai, dù trong thâm tâm vẫn xác định người là kẻ thù số một!
Trong điều kiện tự nhiên, ở rừng đại ngàn, chuột phân bố hết sức thưa thớt. Công nhân điều tra rừng có khi đi hàng tuần cũng không thấy bóng dáng một chú chuột nào. Thế nhưng chỉ cần dựng lán lên vài hôm, là đêm chuột kéo về lục lọi, quấy phá, có khi không có gì để ăn, chúng còn gặm ngón chân người ngủ say. Thì ra nơi có người ở là cái đích chúng tìm tới!
Với nhà nông, chuột không chỉ tìm đến đồng lúa, bãi ngô người trồng trọt để sinh sống, mà còn vào tận nhà người ở để trộm ngũ cốc, bắt gà vịt con, và cắn nát quần áo chăn màn. Người cũng xác định chuột là kẻ thù tàn hại và nham hiểm, nên tìm mọi cách tiêu diệt, từ việc nuôi mèo, đánh bẫy đến keo dính, thuốc độc… nhưng xem ra chuột vẫn sinh sôi, nẩy nở vì chúng quá khôn, quá cảnh giác với mọi thứ xung quanh.
Không con chuột nào ra khỏi hang là chạy về một hướng nào đó ngay, mà bao giờ cũng dừng lại cửa hang khá lâu, rung ria nghe ngóng tình hình rồi mới di chuyển về một phía nào đó. Nó thích ăn gà con, nhưng gà con nằm trong bẫy thì nó tránh xa, coi đó là hiểm họa. Cơm rang mỡ là món nó rất mê, nhưng khi trộn thuốc độc vào thì nó không ngó ngàng… Bởi vậy tiêu diệt chuột là điều nan giải đối với con người từ đời này qua đời khác, cho dù nó cứ gần gũi, cứ phá phách như trêu tức con người. Nhà xây ở thành phố, một con chuột lẻn vào, làm cả nhà mất ăn, mất ngủ, thay đổi hết sinh hoạt, nhưng dễ gì tiêu diệt được nó hay tống cổ nó ra ngoài!
Thế thì đối phó thế nào với chuột đây? Không đợi khi những chiến dịch diệt chuột rầm rộ, đánh giá kết quả bằng việc “thu mua đuôi chuột” không mấy kết quả; không đợi khi các loại bẫy mới, công nghệ diệt chuột mới không gây tổn thất đáng kể cho họ nhà chuột, con người trước đó đã trả thù chuột bằng phương ngôn, ca dao tục ngữ, mà phần lớn chuột được đưa vào vị trí “nhân vật phản diện”. “Cháy nhà ra mặt chuột” là lời nói hả lòng hả dạ của con người khi một tội lỗi của ai đó bị lộ diện do hoàn cảnh khách quan đưa tới, giống như loài chuột quen chui lủi trong nhà để tránh sự phát hiện của con người thì nay nhà cháy, không còn sự che đậy nữa. “Đồ mặt chuột” là lời mắng ai đó không chỉ mặt choắt, xấu xí mà còn có tính gian manh, không thật thà. “Chuột sa chĩnh gạo” để chỉ chàng trai nào đó may mắn làm rể gia đình vợ giàu có, với cách nói không mấy thiện cảm… Với những khu nhà rách nát ở thành phố, người đặt cho cái tên “Nhà ổ chuột” với thái độ coi thường… Thấy phương ngôn, tục ngữ “nói xấu” loài chuột quá nhiều, có người động lòng “từ bi” muốn bênh vực chuột nên làm ca dao để nói rằng có khi chuột cũng mang lại vận may cho con người:
Nhất thì đom đóm vào nhà
Thứ nhì chuột réo, thứ ba hoa đèn
“Đom đóm vào nhà” hay “hoa đèn” là hai thứ mang lại ánh sáng, mang lại vận may thì dân gian dễ chấp nhận, giờ ghép thêm tiếng “chuột réo”, vốn là âm thanh thường gây cảm giác khó chịu cho chủ nhà, nhất là khi chủ nhà nghèo đói. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng khó chịu về chuyện chuột đói trong một lần ốm nặng nằm nhà. Trong bài thơ “Nằm bệnh” ông từng viết:
Hay sầu, lắm bệnh, bất an
Mười tuần ốm nặng Quế Giang nằm hoài
Thần ôn toan bắt vía người
Chuột gầy gặm sách không thôi leo giường
Mà bảo rằng tiếng “chuột réo” là may mắn thì xem ra cũng khó… lĩnh hội. Nghĩa là muốn bênh vực chuột cũng khó, thôi thì dùng những câu vô thưởng vô phạt theo kiểu nhận định phi sinh vật học: “Mèo già hóa cáo, chuột lão hóa giơi” hay là đặt tên cho loài dưa leo có quả dài dài, to bằng cổ tay là “dưa chuột”! Những năm gần đây, may mắn với “Con chuột” bên bàn phím vi tính thật linh hoạt và đáng yêu!
“Đám cưới chuột” - tranh dân gian Đông Hồ |
Trong dân gian, không chỉ ca dao, tục ngữ, mà trong hội họa, con người cũng lên án thói xấu của nhà chuột. Đó là tội “tổ chức hối lộ” của nhà chuột trong bức tranh “Đám cưới chuột”: Để bảo đảm yên ổn cho nòi giống của mình, ít ra là trong đám cưới, nhà chuột đem chim, đem cá đút lót cho mèo!
Không chỉ nước ta, ở phương Tây, chuột cũng được đưa vào thơ ca, phim ảnh khá nhiều, nhưng hình như dưới con mắt người phương Tây, con chuột không xấu xa như cách nhìn của người phương Đông? Hai chuyện ngụ ngôn của La Phontain với đầu đề “Hội đồng chuột” hay “chuột nhắt, con mèo và con Gà trống” thì loài chuột không đáng ghét, mà chỉ thấy ngộ nghĩnh, ngây thơ. Đặc biệt trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Walt Dissney với đầu đề “Tom &Jerry” thì chú chuột Jerry thật đáng yêu.
Phải chăng, chúng ta cũng nên có cái nhìn rộng lượng hơn về chuột, nhất là trong năm Canh Tý này?