Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan
Hội nghị được tổ chức theo phương thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đà Nẵng đi đầu trong xây dựng chính phủ số
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hội nghị cần tập trung rà soát các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong đó, những nhiệm vụ đã làm tốt thì thực hiện tốt hơn; những nhiệm vụ chưa đạt được thì có giải pháp đột phá, tăng tốc hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Lý do chọn Đà Nẵng để tổ chức hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đà Nẵng là địa phương đi đầu về xây dựng chính phủ số.
Chuyển đổi số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Về xây dựng Chính phủ số, có nhiều địa phương triển khai tích cực song Đà Nẵng có những hiệu quả nổi bật. Do đó, việc chọn Đà Nẵng vừa là động viên, hoan nghênh vừa là để các địa phương khác học tập theo cách làm của Đà Nẵng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, xu thế về chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, yêu cầu hàng đầu trong quá trình phát triển. Xu hướng phát triển hiện nay chính là chuyển đổi số, phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chuyển đổi số là trọng tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là kinh tế, xã hội số mà đã đi vào các ngành nghề khác, kể cả những vấn đề quan trọng của quốc gia. Chuyển đổi số là vấn đề liên quan đến toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Cách tiếp cận hiện nay là tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm. Trọng điểm ở đây chính là người dân.
Đặc biệt, chuyển đổi số hướng tới sử dụng hiệu quả và cung cấp dịch vụ công. Như vậy, cả phía cung cấp và phía sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số hiệu quả.
Vậy nên, khi bàn giải pháp đòi hỏi cả phía quản lý Nhà nước và người thụ hưởng đều phải nâng cao hiệu quả các hoạt động thông qua chuyển đổi số.
Quang cảnh hội nghị |
Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương làm được nhiều việc về chuyển đổi số. Có thể nói, chuyển đổi số thúc đẩy phát triển mạnh mẽ không chỉ khu vực công và khu vực tư, từ trung ương đến địa phương, từng đối tượng theo cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Thực tế, có thể thấy được sự thay đổi về tư duy, hành động, thói quen ở cơ quan hành chính các cấp khi thực hiện thủ tục hành chính chuyển từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả công việc.
Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập...
Đơn cử như, công tác lãnh đạo, điều hành, tư duy nhận thức có nơi có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Nhất là ở các vùng sâu vùng xa; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn hơn 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chưa được xử lý toàn trình...
Cùng đó, quá trình chuyển đổi số vẫn đối mặt với những thách thức: yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển nhanh của kinh tế - xã hội; việc chia sẻ, kết nối, khai thác dữ liệu dùng chung; nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; cần xây dựng thể chế phát huy nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân; kết hợp tư duy - đổi mới sáng tạo - huy động sức mạnh người dân, doanh nghiệp.
Phải phát triển dịch vụ công trực tuyến theo chiều sâu
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp. Đặc biệt, hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, nhưng vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới đạt 17,9%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình |
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan Nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Việc hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.
Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%.
Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhân dân làm nên lịch sử, nguồn lực Nhà nước chỉ là dẫn dắt. Do đó, quan trọng là phải huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân… và căn cứ từ thực tế để điều chỉnh thể chế cho phù hợp. Việc phát triển sản phẩm công nghệ số trước hết là để phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp và hướng đến vươn ra khu vực và thế giới. Chúng ta hội nhập, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện chuyển đổi số.
Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần thảo luận, trao đổi tại hội nghị như: Đánh giá kết quả về nhận thức, tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện để lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp; Chia sẻ mô hình hay, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm quý cần chia sẻ.
Đồng thời, nhìn thẳng, nhìn thật vào tư duy, nhận thức còn vấn đề gì, hoạt động lãnh đạo điều hành có gì chưa thông thoáng; thể chế có vấn đề gì cần tháo gỡ, giải pháp nào cần triển khai. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm thì có thụ hưởng được không, có vấn đề nào Nhà nước cần tháo gỡ. Từ đó, xác định cần triển khai các giải pháp gì để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.