Chuyển động về thể chế, pháp luật sau gần 3 năm CPTPP có hiệu lực
Tương thích, hài hòa và phù hợp
Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, sáng ngày 10/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP - Đánh giá hiệu quả thực hiện và hàm ý chính sách”.
Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật nhằm thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.
Tổng hợp của VCCI cho thấy, theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành thì có tổng cộng 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động xây dựng pháp luật này dự kiến chia làm 2 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn.
Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.
Trình bày các nội dung cụ thể của báo cáo nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết về các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay, tất cả 11 văn bản (bao gồm 2 Luật, 2 Nghị định và 7 Thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động) đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam (hợp hiến), đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức (hợp pháp), và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan.
Về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật này đều tương thích với cam kết CPTPP mà chúng “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP). Chỉ có một trường hợp quy định chưa đủ để bảo đảm thực thi các cam kết CPTPP trên thực tế (về lao động) và do đó cần được điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ.
Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, mặc dù tất cả đều được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn quy trình thông thường theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng tất cả các văn bản này đều bảo đảm hiệu lực thực thi từ 14/1/2019 theo đúng cam kết CPTPP.
Bên cạnh đó, rà soát cho thấy tất cả các văn bản đều đảm bảo được về tính minh bạch (được công khai dự thảo để lấy ý kiến của công chúng). Tuy nhiên, đa số không kèm theo bất kỳ tài liệu giải thích/giải trình nào gây khó khăn nhất định cho việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể liên quan.
Về tính khả thi, mặc dù hầu như tất cả các văn bản đều được thiết kế hợp lý, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi trên thực tế, nhưng vẫn gây ra một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai (nhất là liên quan tới các quy định về quy tắc xuất xứ, xác minh xuất xứ, đấu thầu quyền nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng).
Thách thức gia tăng, cần hoàn thiện thể chế hơn nữa
Bà Trang cũng thông tin, các hoạt động xây dựng pháp luật chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình thời gian tới, các quy định tại cả 4 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (3 Luật và 1 Nghị định, nhằm thực thi 11 nhóm cam kết CPTPP có lộ trình thực thi từ 2022-2024 về mở cửa thị trường hàng hóa, sở hữu trí tuệ, lao động) đều bảo đảm tương thích với yêu cầu cam kết.
Tuy nhiên, từ những bài học kinh nghiệm từ các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP giai đoạn 2019-2021, báo cáo VCCI đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật để tiếp tục thực thi CPTPP trong thời gian tới, cũng như các FTA mới ký kết/có hiệu lực của Việt Nam.
Thứ nhất, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cam kết cần đươc thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan.
Thứ hai, việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn. Đồng thời, kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cần nêu rõ văn bản được ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn, qua đó tạo điều kiện để cơ quan soạn thảo đẩy nhanh tiến trình về thủ tục.
Thứ ba, để bảo đảm quy định không chỉ tuân thủ đúng cam kết mà còn phù hợp nhất có thể với các lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình.
Thứ tư, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.
Cuối cùng, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế tận dụng ở mức tốt nhất có thể các cam kết FTA, vì sự phát triển bao trùm và bền vững của Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm trên song chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan bổ sung thêm về tính cạnh tranh cao và trực diện của các thành viên tiềm năng mới của CPTPP, trong đó Trung Quốc, Anh và Đài Loan là những đối tác mới vừa nộp đơn xin gia nhập.
Theo bà Phạm Chi Lan, các đối tác này đều có mức độ cạnh tranh tốt hơn Việt Nam (về năng lực tài chính, trình độ công nghệ, thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật…). Đây vừa là thuận lợi của các đối tác tiềm năng này, đồng thời là thách thức với Việt Nam. Bên cạnh đó, các nền kinh tế này đều đã có rất nhiều kinh nghiệm trong hội nhập quốc tế, tham gia các FTA từ trước đến nay, cộng với vị thế kinh tế mạnh nên sẽ có vị thế tốt trong đàm phán.
Ngoài ra các đối tác mới này còn cạnh tranh trực diện với Việt Nam về một số mặt. Ví dụ, khi Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP thì các nước thành viên khác của CPTPP sẽ không còn động lực phải dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, khiến động lực chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam giảm đi.
Hay với quy tắc xuất xứ cộng gộp trong CPTPP thì có thể lợi thế của rất nhiều mặt hàng nguyên liệu phụ trợ của Việt Nam - hiện công nghiệp phụ trợ đang được kỳ vọng phát triển để thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - cũng sẽ không còn nữa khi nhập khẩu từ Trung Quốc dễ dàng và giá rẻ hơn khi nước này trở thành thành viên.
“Để đối phó, ứng phó với các thách thức này, đảm bảo được các lợi ích thì điều cần thiết nhất của Việt Nam hiện nay là phải tập trung cao độ sức lực, trí tuệ vào việc sớm hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thực thi thật tốt những gì chúng ta xây dựng và cam kết. Những yếu tố này giúp nâng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới và với sức mạnh tốt lên đó chúng ta sẽ vượt được những thách thức đặt ra”, chuyên gia này kỳ vọng.