Cơ hội kết nối thương mại doanh nghiệp Việt - Trung
Trung Quốc là quốc gia cung cấp nguyên liệu rất lớn cho doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, triễn lãm sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt học hỏi cũng như tìm kiếm đối tác thích hợp cho mình.
Ông Binu Pilai, Giám đốc điều hành Công ty Triển lãm quốc tế Meorient - đơn vị đồng tổ chức cuộc triển lãm (cùng với Công ty MTV Dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi) - cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN suốt 6 năm liên tiếp vừa qua. Năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Việt Nam đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN với tỷ lệ chiếm 28,1% toàn khối.
Triển lãm China Homelife Vietnam 2022 với 173 nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu Trung Quốc tham gia trưng bày các sản phẩm thuộc ngành hàng: Gia dụng, điện tử tiêu dùng, dệt may, vật liệu xây dựng, nội thất...
Doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về đồ nội thất Trung Quốc. |
Triển lãm được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gửi sản phẩm mới nhất đến trưng bày để khách hàng tại Việt Nam có thể trải nghiệm và cảm nhận trực tiếp. Đồng thời, các cuộc gặp trực tuyến sẽ được tiến hành ngay tại gian hàng thông qua hệ thống họp video có phiên dịch để quá trình trao đổi và thương thảo đàm phán diễn ra thuận lợi.
Theo Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 2 của Việt Nam (sau Mỹ) nếu tính về kim ngạch, nhưng là thị trường xuất khẩu số 1 của doanh nghiệp Việt Nam với các mặt hàng như: Cao su, sắt thép các loại, clanke và xi măng, dây điện và dây cáp điện…
Ngoài ra, Trung Quốc còn là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt xuất khẩu sản phẩm nội thất, vật liệu xây dựng, giày dép, dệt may… khi một số mặt hàng này có mức thuế suất thuế nhập khẩu vào Trung Quốc 0% hoặc thấp hơn rất nhiều so với mức thuế nếu xuất khẩu vào các nước khác.