Cơ hội vàng để phát triển xe ô tô điện
Chuyển đổi là tất yếu
Hiện nay, với những thách thức về năng lượng và khí thải ô nhiễm môi trường, thì xe điện là một giải pháp khả thi bậc nhất tại thời điểm này. Trong hoạt động giao thông vận tải, tiêu thụ năng lượng cho vận tải đường bộ chiếm khoảng 70%. Nếu chuyển sang giao thông xanh, trước hết Việt Nam sẽ cắt giảm được khí thải nhà kính. Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu không bắt nhịp được, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng, là bãi rác công nghệ của thế giới. Việc phải chuyển đổi sang giao thông xanh, thân thiện với môi trường là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công thương cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện và nhìn chung, các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít. Cụ thể, năm 2019 có 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe. Tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, thị trường sản phẩm xe điện ở Việt Nam được đánh giá là một thị trường hấp dẫn.
Trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2.000 trạm sạc với gần 40.000 cổng sạc |
Bà Phan Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast chia sẻ, Việt Nam có ưu thế tự nhiên là có tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn (điện gió, điện mặt trời có số giờ nắng rất lớn). Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực. Thậm chí Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong khu vực. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua hết sức mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.
Với các cơ hội đó có thể thấy chúng ta đang ở cùng hoặc nhỉnh hơn chút ít so với các nước trong khu vực. Chúng ta cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước ta, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này, bà Phan Thị Thùy Dương cho biết thêm.
Chính sách vẫn còn bỏ ngỏ
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính là: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin. Trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng thì chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam cũng hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính chia sẻ, các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Cụ thể như các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác... cũng đã có, nhưng để hiện thực hóa các mục tiêu về xe điện thì các chính sách này cần phải cập nhật, điều chỉnh thêm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) chia sẻ, mặc dù đã có những cố gắng nhưng số lượng tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống quy chuẩn Quốc gia đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới…
Để giải quyết bài toán trên, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước cần có ngay lộ trình cụ thể và quan trọng nhất là sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan xe điện phù hợp để các doanh nghiệp có hướng sản xuất và đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, cần phải có các trụ cột gồm áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện…
Việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường. Việc phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện như hệ thống trạm sạc điện. Cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Xe điện là xu thế tất yếu và để bắt kịp xu thế thì quy hoạch đó cần phải đồng bộ thì mới có sự phát triển bền vững, lâu dài.
Nhìn ra thế giới, những nước có ngành công nghiệp sản xuất xe điện phát triển như Trung Quốc, Châu Âu hay Mỹ đã có những đạo luật khuyến khích mạnh mẽ cho dòng xe này. Đơn cử, năm 2016 Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm về chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng phương tiện năng lượng mới, tài trợ 90 triệu NDT cho việc xây dựng các trạm sạc. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố chính sách 15 tỷ USD cho việc phát triển 500 nghìn trạm sạc xe điện đến năm 2030 trên toàn nước Mỹ. Đây là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo, bà Phan Thị Thùy Dương chia sẻ.
Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực. Thậm chí Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong khu vực. |