Cổ phiếu lớn giảm mạnh, VN-Index mất 13,49 điểm
VN-Index giảm hơn 13 điểm trong phiên giao dịch |
Vào phiên chiều, sức ép tăng dần trên hầu hết toàn bộ rổ VN30, đặc biệt với VHM và STB. 2 mã lớn này bị bán mạnh kéo theo tâm lý lo ngại trên toàn thị trường, dẫn tới lực bán liên tục gia tăng. Tới thời điểm 14h, những lệnh bán lớn chủ động đẩy thẳng vào STB và VHM khiến 2 mã này giảm tới 5-6%, cùng với hàng loạt các mã lớn khác như MBB, TCB, TPB, VPB, VIC, VRE giảm trên 2%. Qua đó, VN-Index giảm mạnh trong giờ giao dịch cuối cùng và đóng cửa giảm 13,49 điểm. Trên HOSE, thanh khoản đạt 15.980,8 tỷ đồng; khối ngoại bán ròng 234,17 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia cho biết, các thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương hầu hết đều giảm điểm khi cổ phiếu công nghệ lớn giảm do áp lực từ lợi suất cao và tâm lý sợ rủi ro gia tăng. Trong nước, VN-Index cũng giảm khi nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh.
Về kỹ thuật, VN-Index giảm mạnh cuối phiên và đóng cửa thấp hơn đáy cũ gần nhất để hình thành xu hướng giảm ngắn hạn. Việc đóng cửa sát với biên dưới của kênh giảm có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhẹ trong phiên tới. Tuy nhiên, rủi ro đã gia tăng lớn hơn khi các mã dẫn dắt thuộc nhóm VN30 đều đã có tín hiệu suy yếu.
Dưới góc nhìn của mình, VCBS cho rằng VN-Index tiếp tục kết phiên với nến đỏ giảm điểm do áp lực điều chỉnh mạnh của thị trường nói chung và cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI, MACD đều hướng xuống vùng thấp cho thấy áp lực bán đang tương đối lớn. Bên cạnh đó, chỉ báo dòng tiền CMF duy trì neo ở vùng điểm thấp thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao. Tuy nhiên, thanh khoản chưa ghi nhận biến động quá lớn và áp lực giảm điểm lên VN-Index phần lớn đến từ điều chỉnh rung lắc bất ngờ ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, còn lại thị trường nhìn chung vẫn chưa quá tiêu cực. Trong kịch bản tích cực, khi nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá hiện tại và gia tăng giải ngân ở những phiên tiếp theo, kỳ vọng thị trường sẽ tích lũy cân bằng trở lại quanh vùng điểm 1.250 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo RSI và MACD cũng đều cho tín hiệu ở vùng quá bán nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy đầu tiên cho thấy VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm theo quán tính trong 1-2 phiên tới. Bên cạnh đó, chỉ báo DI- và ADX cũng đang ở vùng cao củng cố thêm cho nhận định trên.
Áp lực bán có thể vẫn tiếp diễn theo quán tính nhưng xác suất cao sẽ sớm chững lại và tìm lại được cân bằng quanh khu vực 1.250 điểm.