Nâng hạng thị trường sẽ mở đường cho dòng vốn "khủng" từ các quỹ ETF đổ vào Việt Nam?
Nâng hạng thị trường sẽ mở đường cho dòng vốn "khủng" từ các quỹ ETF đổ vào Việt Nam |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ cộng đồng đầu tư quốc tế. Sự tăng trưởng ấn tượng của VN-Index trong 9 tháng đầu năm 2024, cùng với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, đã tạo nên "làn sóng" lạc quan về triển vọng nâng hạng thị trường. FTSE Russell, tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán uy tín toàn cầu, đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam và khẳng định việc duy trì đà cải cách là yếu tố quyết định để nâng hạng vào năm 2025.
"Non-pre-funding" - Nút thắt cuối cùng?
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), việc hoàn thiện cơ chế "non-pre-funding" là yếu tố then chốt để Việt Nam đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell.
"Thông tư 68 quy định vấn đề này vừa ra nhưng đến ngày 2/11 mới bắt đầu áp dụng. Như vậy, trong quá trình đánh giá lại lần tới, FTSE họ sẽ làm một việc quan trọng trong quy trình xét duyệt là khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc sử dụng các dịch vụ này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm dịch vụ non pre-funding đánh giá là tích cực, cùng những tiêu chí khác được hoàn thiện thì việc nâng hạng sẽ được được thông qua. Chúng tôi kỳ vọng nhiều là đến năm 2025, thị trường chứng khoán của chúng ta sẽ được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell", ông Duy Anh nhấn mạnh.
"Non-pre-funding" cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán mà không cần phải chuyển tiền trước, giúp tăng tính thanh khoản và thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán và ngân hàng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Đón làn sóng đầu tư từ các quỹ ETF
Nâng hạng thị trường sẽ mở đường cho dòng vốn "khủng" từ các quỹ ETF đổ vào Việt Nam. Các quỹ này hoạt động dựa trên nguyên tắc "bắt chước" một chỉ số chứng khoán, vì vậy khi Việt Nam được thêm vào danh mục chỉ số, họ sẽ buộc phải mua vào cổ phiếu Việt Nam để đảm bảo tỷ trọng đầu tư.
"Dự kiến sẽ có những quỹ gọi là quỹ đầu tư passive hay là quỹ đầu tư thụ động của nước ngoài, khi họ đầu tư theo các chỉ số, mà chúng ta lại được thêm vào danh sách chỉ số đấy thì chắc chắn họ sẽ phải mua theo. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ đi trước việc việc nâng hạng và sẽ đến Việt Nam trước để đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trước. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta có thể thấy được các dòng tiền đó và làm sôi động thêm cho thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Duy Anh nhận định.
Dòng vốn từ các quỹ ETF ước tính khoảng 500 - 600 triệu USD, sẽ tác động mạnh đến thanh khoản thị trường, đẩy giá cổ phiếu tăng lên, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn, có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Nâng hạng không phải là tất cả
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng nâng hạng thị trường không phải là "chìa khóa vạn năng" giải quyết mọi vấn đề.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), nhắc nhở: "Từ góc nhìn của tôi, nâng hạng là thêm gia vị cho thị trường, chứ không là món chính, món chính vẫn là việc thị trường của chúng ta phải có những sự tăng trưởng cả về mặt vĩ mô cũng như chất lượng doanh nghiệp, chất lượng quản trị và những sản phẩm đa dạng ở trên thị trường."
Nâng hạng chỉ là bước khởi đầu. Để thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán.
Chiến lược nào cho nhà đầu tư
Trong bối cảnh thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng để tối ưu hóa lợi nhuận.
Ông Nguyễn Duy Anh khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp: "Trên cương vị là một nhà đầu tư tổ chức chuẩn bị cho việc thị trường chứng khoán được nâng hạng thì có thể nói chúng tôi không phải chuẩn bị nhiều, bởi vì cuối cùng vẫn là phải luôn luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt, mua và nắm giữ cơ hội, một nguyên tắc mà chúng tôi vẫn thực hiện bấy lâu nay. Và đó cũng là lời chia sẻ đến các nhà đầu tư cá nhân, chúng ta không cần phải giao dịch quá nhiều, mua được một cổ phiếu tốt rồi nắm giữ và chờ cổ phiếu tăng trưởng. Đúng đây là giai đoạn “vàng” để đầu tư, chờ dòng vốn mới vào, khi đó định giá của cổ phiếu sẽ ở một mức khác."
Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm ngành như: chứng khoán, ngân hàng, công nghệ thông tin, bởi lẽ những ngành này được hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn ETF và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó là nhóm tiêu dùng bán lẻ, logistic, khu công nghiệp được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; Ngoài ra là nhóm bất động sản khu công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ bởi nhóm này tiếp tục thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, nâng hạng thị trường chứng khoán là một bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, thành công chỉ đến với những nhà đầu tư có kiến thức, am hiểu thị trường và kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện thị trường chứng khoán, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.