Cổ phiếu mía đường: Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, việc thực hiện thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã bắt đầu cho thấy một số kết quả đối với ngành đường trong nước. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 2.
Ảnh minh họa |
Trong số các công ty sản xuất đường trong nước, QNS và Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) đạt biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể (QNS: tăng 1588 điểm cơ bản, SLS: tăng 818 điểm cơ bản) trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) và Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) có những thay đổi nhỏ (SBT: tăng 16 điểm cơ bản, LSS: giảm 65 điểm cơ bản). Sự khác biệt là do hoạt động kinh doanh đường thương mại của SBT và LSS, hai công ty hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh đường thương mại trong năm trước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá đường có thể tiếp tục tăng cho tới năm 2022, do dự kiến thế giới thiếu hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 (niên vụ 2020- 2021 thiếu hụt 3,1 triệu tấn). Trong khi sản lượng đường của Thái Lan có thể phục hồi mạnh mẽ so với mức đáy của năm trước (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ) do điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng của Brazil suy giảm cùng với nhu cầu phục hồi có thể tiếp tục làm giảm lượng tồn kho trên toàn cầu.
Bà Hoàng Việt Phương cho biết, ngành mía đường đã trải qua nhiều năm thua lỗ sâu do cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Trong niên vụ 2020-2021, sản lượng sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 nghìn tấn (-15% so với cùng kỳ), chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước và đạt 50% công suất sản xuất chỉ với 29 nhà máy còn hoạt động. Với cùng mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô, các nhà máy nhỏ nhập khẩu đường thô và tinh luyện sẽ không có lợi nhuận. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới.
Trong niên vụ 2021-2022, VSSA dự kiến diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ và việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo do nông dân thu được lợi nhuận từ vụ mía.
Bên cạnh đó, kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15 nghìn tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183 nghìn tấn trong tháng 4/2020. Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách "quá cảnh" ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam. VSSA đã nộp hồ sơ đề nghị điều tra lẩn tránh thuế AD&AS đối với đường Thái Lan lên Cục Phòng vệ thương mại; kết quả điều ra có thể là một yếu tố hỗ trợ ngành.
Củng cố cho lập luận giá đường có thể tăng đến năm 2022, bà Hoàng Việt Phương cho biết, theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021. Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm -5% (Brazil là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021) do thời tiết khô hạn. Sản lượng dự trữ trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh trong niên vụ 2018-2019 (53,1 triệu tấn) xuống còn 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021 và có thể giảm tiếp về mức tương đương niên vụ 2016-17, theo ước tính thiếu hụt trong niên vụ tới.
Trong khi đó, giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Theo Business Insider, giá ethanol đã tăng 55% so với đầu năm.
Xét trong khu vực, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 80-90 triệu tấn mía trong niên vụ 2021-2022, theo Thai Sugar Millers Corporation (TSMC). Mức này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 21% -36% so với cùng kỳ và là mức sản lượng khá thấp so với giai đoạn 2017-2019. Thâm hụt đường toàn cầu cùng với nhu cầu dự kiến phục hồi sau đại dịch được cho là sẽ hỗ trợ cho giá đường thế giới. Bằng chứng là giá đường thô thế giới gần đây đã tăng mạnh về mức của niên vụ 2016-2017 (khoảng 20 cents/lbs) khi dự báo tồn kho cuối vụ 2021-2022 sẽ quay về mức tương đương cuối vụ 2016-2017.
Còn ở thị trường nội địa, giá đường trong nước của Việt Nam đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá đường Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%. Vào cuối năm 2020, giá đường của Việt Nam thấp hơn giá đường khu vực khoảng 27% -39%. Trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022.