Xu hướng tích lũy của VN-Index liệu có tạo kỳ vọng cho tuần giao dịch đầu tiên của năm 2025?
Triển vọng tích cực tuần giao dịch đầu tiên năm mới |
Ông Phan Tấn Nhật - Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, sau 02 tuần chịu áp lực điều chỉnh từ vùng giá 1.280 điểm về 1.254 điểm. VN-Index đã có tuần giao dịch khá tích cực dưới ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng. Kết tuần VN-Index tăng 1,40% lên mức 1.275,14 điểm, quay trở lại vùng giá 1.280 điểm, cao nhất đầu tháng 12/2024. VN-Index duy trì trên vùng giá trung bình 200 phiên cũng như giá cao nhất năm 2023. Thanh khoản trong tuần tăng tốt với khối lượng giao dịch tăng 21,20% so với tuần trước, gia tăng mạnh ở nhóm ngân hàng với nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử như CTG, STB...
Độ rộng thị trường nghiên về phục hồi, tích lũy. Thị trường phân hóa mạnh, đa số đều tích lũy, biến động hẹp trong giai đoạn cuối năm 2024. Trong khi khá nổi bật ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tư công, nguyên vật liệu - khoáng sản và chịu áp lực bán khá mạnh ở nhóm công nghệ - viễn thông khi nhóm mã này đã tăng giá mạnh trong năm nay. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên HOSE với giá trị 266,3 tỷ đồng trong tuần này, ảnh hưởng tâm lý tích cực đến thị trường chung.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2501 +27,30 điểm (+2,07%), đóng cửa tại 1.348,50 điểm. Chênh lệch +1,66 điểm so với VN30, các kỳ hạn xa hơn là VN30F2502 VN30F2503 VN30F2506 chênh lệch từ +7,16 điểm đến +10,16 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch -12,50% so với tuần trước, và thấp mức trung bình 20 tuần. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2501 dự kiến tiến tới kiểm định vùng 1.370 điểm. Khối lượng mở OI tuần này là 46.749 cao hơn so với tuần gần nhất là 28.260, điều này phản ánh xu hướng gia tăng vị thế trở lại sau tuần đáo hạn.
Ông Phan Tấn Nhật cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.265 điểm. VN-Index đang gặp vùng kháng cự gần nhất 1.280 điểm và có thể chịu áp lực rung lắc điều chỉnh, tích lũy trước khi có thể vượt qua. Kháng cự rất mạnh tiếp theo là vùng giá 1.300 điểm. Đây vẫn là kháng cự rất mạnh, vùng đỉnh các tháng 03-07/2024 và 9-10/2024 từ đầu năm đến nay. Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm. Mở ra kỳ vọng sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài này, trong năm 2025.
Trong ngắn hạn, thị trường phân hóa tốt phụ thuộc nhiều vào chất lượng nội tại của doanh nghiệp. Áp lực bán ngắn hạn, điều chỉnh tích lũy ở nhiều mã tương đối bình thường với áp lực giảm dư nợ ký quỹ, chốt NAV năm 2024 trong thời điểm cuối năm.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài từ đầu năm đến nay. Dựa trên kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quí IV/2024 và triển vọng năm 2025 tích cực. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt”, ông Phan Tấn Nhật khuyến nghị.
Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index ghi nhận hồi phục ấn tượng lên mốc 1.280 điểm vào phiên thứ 4 (25/12) sau khi điều chỉnh về hỗ trợ 1.250 điểm ở phiên liền trước. Cụ thể, sau diễn biến kiểm tra hỗ trợ đường MA20 thành công, lực cầu gia tăng mạnh mẽ cùng sự đồng thuận ở nhóm bue-chip giúp thị trường bứt phá tăng gần 15 điểm. Tuy nhiên sau phiên bùng nổ, chỉ số chung chững lại và đi ngang quanh mốc 1.275 điểm ở hai phiên cuối tuần.
Ở phiên cuối tuần (27/12), chỉ số chung mở cửa tăng điểm nhẹ nhờ thanh khoản mua chủ động gia tăng ở nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn hiện hữu cùng diễn biến điều chỉnh ở nhiều cổ phiếu blue-chip khiến VN-Index có nhịp giằng co trong phiên. Đến cuối phiên chiều, động lực từ nhóm ngân hàng tiếp tục là điểm cộng giúp thị trường giành lại sắc xanh với TCB tăng 1,03%, CTG tăng 1,57%, LPB tăng trần. Khối ngoại tiếp tục mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 618,67 tỷ, tập trung mua STB, CTG, SSI. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.275,14 điểm, tăng 2,27 điểm, tương đương 0,18%. Kết tuần, VN-Index tăng 17,64 điểm (+1,40%) so với tuần trước.
Phân tích kĩ thuật, ông Hoàng cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến tương tự nến Doji nhờ nỗ lực của nhóm ngân hàng cùng lực cầu giải ngân gia tăng tốt trong phiên chiều.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI hướng nhẹ lên trên và đồng thời chỉ báo MACD cũng vậy cho thấy động lực chung đang phần nào được củng cố. Mặc dù vậy, đường +DI ở mốc 28.6 trong khi đường ADX ở dưới mốc 25 cùng với việc VN-Index đang di chuyển qua vùng mây Ichi Flat nên rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn cần được tính đến. Tuy nhiên, việc cổ phiếu blue-chip thuộc nhóm ngân hàng đang thu hút được dòng tiền và lực cầu ổn định đang giúp củng cố chỉ số chung và nếu diễn biến này được duy trì thì kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tiến lên các mốc điểm cao hơn.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung tăng điểm trở lại sau khi điều chỉnh về đường MA20 nhờ thanh khoản mua chủ động gia tăng. Đường MACD có dấu hiệu cắt xuống đường chỉ báo, và chỉ báo RSI vận động ở vùng cao nên cần chú ý xác suất điều chỉnh rung lắc. Thêm vào đó việc CMF vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy thanh khoản mua chủ động chưa gia tăng đáng kể và chưa đủ để giúp thường có được sự đồng thuận.
Về chiến lược giao dịch, ông Hoàng cho rằng, thị trường đang có tín hiệu củng cố động lực ở vùng điểm quanh 1.275 điểm với sự phân hóa, đặc biệt là thanh khoản gia tăng ở nhóm ngân hàng. Nhà đầu tư tận dụng nhịp rung lắc trong phiên để tiếp tục giải ngân từng phần đối với cổ phiếu đang trong xu hướng hồi phục, tăng điểm thuộc các nhóm ngành đã khuyến nghị trong các báo cáo trước như ngân hàng, phân đạm, thép.