Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ký Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với Tổng cục Hải quan
Toàn cảnh Lễ ký Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan |
Ngày 29/02/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính đã ký Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin, trong đó có nội dung phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền. Ngày 30/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 có nội dung về hoàn thiện quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Phòng, chống rửa tiền với các cơ quan thực thi pháp luật và các bộ, ngành có liên quan.
Tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính xây dựng Biên bản ghi nhớ/ nguyên tắc giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan.
Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Hải quan năm 2014, để triển khai có hiệu quả những nội dung chỉ đạo, yêu cầu nêu trên và nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin, trong những năm qua, Cục Phòng, chống rửa tiền (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ động, tích cực phối hợp trao đổi, cung cấp hàng trăm lượt thông tin phục vụ công tác nghiệp vụ của từng đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Du - Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng phát biểu tại Lễ ký kết |
Phát biểu khai mạc Lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, việc hợp tác trao đổi cung cấp thông tin giữa các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao của cả hai cơ quan.
Cụ thể, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết, thông tin trao đổi đã được hai bên sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích theo chức năng, nhiệm vụ được giao và là một trong những yếu tố góp phần hỗ trợ công tác phân tích, xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ, công tác phòng, chống rửa tiền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, buôn bán hàng cấm.
Bên cạnh đó, những thông tin do phía Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp, cơ quan Hải quan đã sử dụng để điều tra, xác minh, đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án, kế hoạch và khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền, ví dụ như các vụ án đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép phế liệu vào Việt Nam hoặc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và gần đây nhất là liên quan đến trường hợp nhập khẩu vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…; hoặc chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Lễ ký kết |
Bên cạnh những kết quả đạt được như nêu trên, công tác phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin giữa hai đơn vị vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như: chưa có đầu mối thống nhất tiếp nhận, điều phối trao đổi, cung cấp thông tin của mỗi đơn vị, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin còn bất cập…
Do đó, “việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp trao đổi cung cấp thông tin giữa hai cơ quan giúp cho việc trao đổi thông tin được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, thông tin được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng thẩm quyền”, ông Nguyễn Văn Du khẳng định.
Sau khi Quy chế phối hợp được ký kết và có hiệu lực, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo sát sao đơn vị đầu mối là Cục Phòng, chống rửa tiền trong việc trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ với Cục Điều tra chống buôn lậu - đơn vị đầu mối của Tổng cục Hải quan nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng, Tài chính nói chung, cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan nói riêng trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới.
Trên tinh thần thống nhất cao, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị cũng sẽ quán triệt, triển khai Quy chế phối hợp; thực hiện nghiêm túc việc trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, sử dụng thông tin được cung cấp và ngược lại; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, bảo đảm an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp kịp thời trao đổi và đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp theo quy định.